Dự thảo luật quy định, doanh nghiệp nhà nước không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Quy định rõ phạm vi được đầu tư
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật quy định, doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài dưới các hình thức: bổ sung vốn vào doanh nghiệp; đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh và đầu tư vốn thông qua dự án đầu tư.
Dự thảo luật cũng quy định rõ các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước không được rót vốn vào bất động sản, trừ doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không được đầu tư vào ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo luật quy định các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn “khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp trên cơ sở nhiệm vụ được giao, ngành, nghề kinh doanh chính”.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định không được đầu tư vốn vào một số lĩnh vực là hạn chế quyền của doanh nghiệp, thu hẹp phạm vi, lĩnh vực đầu tư và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước so với các loại hình doanh nghiệp khác.
Quy định như dự thảo luật cũng chưa bao gồm trường hợp ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng được kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (như trường hợp Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam).
Để bảo đảm bao quát, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, bổ sung quy định trong dự thảo luật. Về hình thức đầu tư của doanh nghiệp, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, dự thảo luật chưa bao quát hết các hình thức đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, chưa phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài. Điều này có thể dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường
Về việc dự thảo luật quy định 8 hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cân nhắc không quy định các nội dung “khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư”, “vượt mức vốn đầu tư”, “không đúng nguồn vốn đầu tư”, xác định “đúng nguồn vốn đầu tư” vì đây là những quy định chỉ phù hợp với các dự án đầu tư công, nếu áp dụng với doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Mạnh, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, trong một số trường hợp cần quyết định đầu tư nhanh chóng, kịp thời. "Nếu quy định như dự thảo, doanh nghiệp sẽ lỡ cơ hội đầu tư, kinh doanh, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn”.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị sửa khoản 8 Điều 6 từ “vi phạm các quy định gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và Nhà nước” thành “vi phạm các quy định gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và Nhà nước”.
Theo Ủy ban này, doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, có những thiệt hại nhỏ do yếu tố khách quan trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh như chậm khai báo thông tin dẫn đến chậm nộp và bị phạt thuế mà bị coi là vi phạm điều cấm sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả đánh giá doanh nghiệp.