Với việc lắng nghe ý kiến, chủ động lắp đặt các thiết bị mới để kiểm soát khí thải, Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc đã và đang thực sự đồng hành cùng cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kan trong bảo vệ môi trường.
Liên quan đến những thông tin phản ánh về quá trình hoạt động tại Xưởng tận thu chế biến kim loại màu và sản xuất vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc (sau đây gọi tắt là Doanh nghiệp Cao Bắc) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, doanh nghiệp này cung cấp tài liệu và phản hồi thông tin đến Báo Công lý.
Theo đó, doanh nghiệp Cao Bắc bắt đầu hoạt động từ năm 2013, tạm ngừng hoạt động năm 2014 và hoạt động trở lại từ năm 2017 đến nay.
Năm 2016, Doanh nghiệp Cao Bắc đã ký hợp đồng thuê nhà xưởng với Công ty TNHH Đô Thơm. Theo nội dung hợp đồng, Công ty TNHH Đô Thơm thuê một phần nhà xưởng của Doanh nghiệp Cao Bắc để tiến hành chế biến, nấu luyện chì. Hiện tại, xưởng đang hoạt động bình thường.
Liên quan đến phản ánh về việc phát sinh khí thải trong quá trình hoạt động chế biến, nấu luyện chì, tháng 11/2018, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Kạn đã cùng các bên liên quan tiến hành lấy mẫu bùn thải, nước thải sản xuất, nước mặt tại các khu vực sản xuất để phân tích, đánh giá.
Kết quả phân tích đánh giá các thành phần môi trường cho thấy: mẫu nước thải sản xuất, mẫu nước mặt và mẫu bùn thải tại khu vực thôn Bản Tặc, thôn Bản Đăm đều có các thông số nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn hiện hành; mẫu nước mặt có thông số số nằm trong giới hạn cho phép.
Phiếu Kết quả thử nghiệm môi trường không khí tại xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn
Trên cơ sở kết quả này, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Kạn đã đưa ra nhận xét: “Chất lượng môi trường trong Xưởng tận thu chế biến kim loại màu và sản xuất vật liệu xây dựng thôn Bản Tặc còn tốt, các thông số phân tích chất lượng nước mặt, nước thải sản xuất và bùn thải đều nằm trong giới hạn cho phép theo các quy chuẩn Việt Nam hiện hành”.
Tiếp đó, ngày 30/11/2018, trong văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Kạn, Sở Tài nguyên & Môi trường nêu rõ: Trong số 7 mẫu phân tích (04 mẫu không khí khu vực lân cận, 03 mẫu khí thải ống khói khu xưởng) thì có 04 mẫu không khí khu vực xung quanh có các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép; trong 03 mẫu khí thải thì có 02 thông số là thông số CO trung bình vượt 1,9 lần và thông số H2SO4 trung bình vượt 1,4 lần quy chuẩn cho phép.
Tuy nhiên, theo đại diện Doanh nghiệp Cao Bắc, đây là những mẫu khí thải được lấy từ cửa ra của lò cao; sau đó khí thải còn phải đi qua hệ thống xử lý khí thải của Công ty nên việc xử lý khí thải của đơn vị là bảo đảm theo quy định. Bằng chứng là văn bản của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Kạn cũng nêu rõ: “Sau khi khuyếch tán vào môi trường thì kết quả phân tích mẫu môi trường xung quanh, cả 02 thông số này đều nằm trong quy chuẩn cho phép”.
Đối với những phản ánh của người dân về việc khí thải của khu xưởng làm cây thông bị vàng lá, khô héo, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Kạn cũng nhấn mạnh: “Hiện tượng cây thông bị vàng lá, khô héo do ảnh hưởng của xưởng là chưa có cơ sở khẳng định”.
Cũng theo đại diện Doanh nghiệp Cao Bắc cho biết: Đến nay, chúng tôi đã thực hiện đầy đủ những yêu cầu của cơ quan chức năng như bổ sung thêm thiết bị xử lý khí thải theo tiêu chuẩn quy định mới; xây dựng lại công nghệ xử lý môi trường, đặc biệt là khí thải của xưởng tuyển… Tuy nhiên, do tiêu chuẩn khí thải theo quy định mới có yêu cầu cao hơn, trong khi cơ quan chuyên môn địa phương chưa có thiết bị nhận giám sát online, nên việc hoàn thiện, nghiệm thu đang gặp một số vướng mắc.
Như vậy có thể thấy, đến nay vẫn chưa có cơ sở khẳng định việc hoạt động của Xưởng tận thu chế biến kim loại màu và sản xuất vật liệu xây dựng ở thôn Bản Tặc, xã Đức Vân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Doanh nghiệp rất mong nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở trong việc kiểm tra, nghiệm thu khí thải sau khi doanh nghiệp đã lắp đặt thiết bị xử lý khí thải bổ sung. Từ đó, tránh tình trạng đơn thư, phản ánh kéo dài, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, đóng góp vào ngân sách địa phương.