Doanh nghiệp thích ứng an toàn, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh về trạng thái “bình thường mới”

Trang Nhi - Kim Truyền| 09/09/2021 08:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trải qua thời gian khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã tìm ra mô hình kinh doanh thích hợp, thích ứng với điều kiện mới để tiếp tục sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu.

Thích ứng an toàn và thay đổi hướng đi phù hợp với tình hình mới

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh từng khẳng định, việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng DN sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái bình thường mới là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô.

Do đó, thời gian qua, hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư... đã được triển khai.

Ngoài ra, Chính phủ đã có sự điều phối nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

1.jpeg

Doanh nghiệp tự thích ứng và thay đổi để phục hồi và vươn xa hậu COVID-19.

Song, dù Chính phủ luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng DN vượt qua thách thức, tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái bình thường mới nhưng nếu muốn vươn xa, phục hồi nhanh hơn hơn, doanh nghiệp cần tìm các giải pháp phù hợp nhất, đưa ra các sáng kiến liên quan đến quy trình vận hành, suy nghĩ về việc tạo khả năng thích ứng với điều kiện mới cho mô hình kinh doanh của mình.

Và nhiều doanh nghiệp đã tự thay đổi “ngoạn mục”, nhiều mô hình sáng tạo đã ra đời giúp không ít DN thoát khỏi nguy cơ phá sản, thậm chí tăng trưởng doanh thu và có thể trở thành mô hình duy trì bền vững hậu COVID-19.

Đơn cử, ngay khi dịch bệnh bùng phát, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia quyết định chuyển hướng kinh doanh từ chủ yếu tập trung cho khách hàng sỉ sang thị trường bán lẻ trong nước. Cùng với việc đẩy mạnh kênh kinh doanh trực tuyến, DN này còn tập trung vào các mặt hàng chế biến sẵn theo nhu cầu khách hàng để tăng lượng người mua. Các dòng sản phẩm liên tục được cập nhật, thay đổi phù hợp nhu cầu thực tế. Ngay trong đợt giãn cách này, hệ thống bán lẻ hải sản này vẫn kinh doanh nhộn nhịp do lượng đơn hàng trực tuyến, giao tận nơi tăng mạnh và vẫn tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho gần 200 nhân viên.

Đẩy mạnh kênh trực tuyến và dòng thực phẩm chế biến sẵn cùng là hướng đi của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bakafood (Bakafood) trong giai đoạn này. Nhờ nhạy bén trong việc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng mà doanh thu của DN này hiện đã tăng 50%. Thay vì chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau củ, thực phẩm, hải sản, đặc sản sạch, giờ đây hệ thống này đã có thêm gần 50 mặt hàng sơ chế sẵn phục vụ bữa cơm hằng ngày của người mua.

Trong khi đó, Công ty CP The Quin chọn cách “cộng sinh” để cùng phát triển với những đối tác lâu năm của mình. DN này đã chào hàng nhiều dòng sản phẩm mới như nước chanh đóng chai giá rẻ, bánh bông lan khoai lang tím, bánh trôi nước khoai lang tím và sắp tới là bánh trung thu khoai lang tím… từ nguồn hỗ trợ nông sản cho bà con nông dân tỉnh Vĩnh Long và nguồn chanh làm nước đóng chai đến từ một nông trại trồng chanh xuất khẩu Nhật Bản đang tồn hàng do ảnh hưởng dịch bệnh.

Chuyển đổi số - “Chìa khóa” tăng trưởng hậu COVID

Nhìn lại, đa số các doanh nghiệp đều tận dụng chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệp để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mô hình nền kinh tế số đang hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chiến lược Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT) chia sẻ tại diễn đàn “Chuyển đổi số để bứt phá: Giải pháp công nghệ hay Tư duy chiến lược của doanh nghiệp”, 80% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số, và những giải pháp ưu tiên cao trong doanh nghiệp hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình.

2.jpeg

Chuyển đổi số - Chìa khóa giúp doanh nghiệp tăng trưởng trong tình hình mới.

Số hóa có thể giúp doanh nghiệp ứng phó và tiếp tục phát triển lành mạnh dưới sự tác động của đại dịch COVID-19. Trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp nên tập trung vào việc phân tích các giá trị và cơ hội mấu chốt từ việc chuyển đổi hơn là chỉ quan tâm đến các danh mục công nghệ.

Chuyển đổi số thực sự đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng trải nghiệm cho người tiêu dùng, hỗ trợ vận hành sản xuất và canh tác bền vững, đem đến một môi trường làm việc an toàn, hiệu suất và có tính kết nối nhiều hơn cho nhân viên.

Điển hình như Công ty Traphaco, đơn vị đã từng bước thành công trong "4.0" hoá toàn diện doanh nghiệp, trước tiên bằng việc chuẩn bị tư duy 4.0 cho tất cả các hoạt động kinh doanh, đến mạnh dạn đầu tư nhân sự, cơ sở hạ tầng, xây dựng quy trình phù hợp, bắt nhịp xu hướng mua hàng online. Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng rô bốt trong sản xuất tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi khâu. Nhờ đó, Traphaco nhanh chóng thích ứng và thay đổi, đạt được mức tăng trưởng tốt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 không thể làm giảm đi sức chiến đấu của các doanh nghiệp. Trong “nguy” luôn có “cơ”, các doanh nghiệp luôn tìm được hướng đi, tự mình vươn lên rất tốt trước khủng hoảng và tạo đà vươn xa hơn.

Nhiều doanh nghiệp vẫn có sức tăng trưởng tốt trong thời gian dịch bệnh và có thể đạt mức cao hơn trong tương lai. Rõ ràng, doanh nghiệp có sức đề kháng cao, cũng như có khả năng tìm kiếm, khai thác và nắm bắt cơ hội mới rất tốt, dễ dàng thích ứng với tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp thích ứng an toàn, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh về trạng thái “bình thường mới”