Kinh tế

Doanh nghiệp nhà nước “làm ăn” ra sao trong 8 tháng qua?

Gia Khánh 23/09/2023 10:53

Phân tích kết quả đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng một số dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ là điểm sáng về tình hình đầu tư phát triển của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong 8 tháng năm 2023.

b81be8b3.jpg
Ảnh minh họa

Tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN dự kiến tăng 4%

Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của 654 doanh nghiệp có vốn nhà nước (158 DNTW và 496 DNĐP) theo yêu cầu của Bộ Tài chính vào hồi cuối tháng 7/2023 cho thấy, tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên cả nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế TNDN là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.

Trong khi tổng lỗ phát sinh của cả khu vực DNNN là 33.639 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp Trung ương như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ phát sinh 32.055 tỷ đồng. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam-CTCP lỗ phát sinh 1.317 tỷ đồng. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN là 67.233 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2023.

Báo cáo mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố cho thấy, ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Về lợi nhuận, tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực DNNN năm 2023 ước đạt 117.388 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN của DNNN cả năm 2023 ước đạt 128.821 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.

Cũng theo Bộ này, ước tính năm 2023 các doanh nghiệp phát sinh lỗ khoảng 41.666 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp trung ương như: EVN lỗ phát sinh 37.062 tỷ đồng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam-CTCP lỗ phát sinh 4.515 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn chung do tác động của xung đột Nga - Ukraina và bất ổn của kinh tế thế giới, các DNNN cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn thua lỗ, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Giải ngân đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng

Theo Bộ KH&ĐT năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy bản quản lý vốn nhà nước dự kiến đầu tư khoảng 260.000 tỷ đồng: trong đó: Lĩnh vực năng lượng (EVN, PVN, TKV, Petrolimex) là 166.676 tỷ đồng; lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải (ACV, VEC, Đường sắt, Hãng không. Hàng hải) là 49.571 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp (Hóa chất, Thuốc lá) là 1.804 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp (Cao su, Cà phê, Lâm nghiệp, Lương thực miền Bắc và miền Nam) 4.851 tỷ đồng; Lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (VNPT, MobiFone) là 17.300 tỷ đồng; lĩnh vực đầu tư kinh doanh vốn (SCIC) là 4.700 tỷ đồng.

Thống kê việc thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, giá trị giải ngân vốn đầu tư là 59.500 tỷ đồng. Trong đó, một số Tập đoàn, Tổng công ty đạt kết quả tích cực, như: EVN đạt 29.803 tỷ đồng và kế hoạch giải ngân đầu tư cả năm 2023 của EVN ước đạt 94.860 tỷ đồng, gồm: 55.000 tỷ đầu tư vào các dự án và 39.860 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi vay; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 12.731 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 3.705 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt 3.663 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đạt 3.200 tỷ đồng; Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) đạt 1.417 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt 1.082 tỷ đồng....

Còn tính trong 8 tháng qua, các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước đã giải ngân đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm, tăng 22% so với 7 tháng đầu năm 2023 (Kế hoạch giải ngân đầu tư năm 2023 của 19 Tập đoàn, Tổng công ty như đã báo cáo trước đây là 260.000 tỷ đồng; Nếu trừ 39.860 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi vay của EVN thì kế hoạch giải ngân đầu tư năm 2023 của 19 Tập đoàn, Tổng công ty là 208,328 tỷ đồng).

Một số dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ được đánh giá là điểm sáng trong 8 tháng đầu năm 2023, như: Hoàn thành đầu tư và vận hành với công suất cao Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; Thử vỉa thành công và cho kết quả tốt giếng khoan thẩm lượng Đại Hùng Nam - 4X; Chuỗi dự án Lô B đã đánh giá hồ sơ chào thầu phần kỹ thuật EPC; Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn sắp hoàn thành đấu thầu lập FS Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Hoàn thành Dự án LNG Thị Vải; Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4 đã hoàn thành thi công san lấp mặt bằng nhà máy, hợp đồng EPC đang được thực hiện theo tiến độ đã ký; Nhà máy Thủy điện laly mở rộng đã thi công của lấy nước đến cao độ 490m, Nhà máy đến cao độ 331m đáp ứng mục tiêu lắp đặt cửa van hạ lưu phục vụ chống lũ năm 2023; EVN đã hoàn thành 51 công trình lưới điện 110-500Kv, các dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, mở rộng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TKV đã hoàn thành xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Hợp đồng EPC dự án bô-xít tại Lâm Đồng, thực hiện thanh toán cho nhà thầu tránh nguy cơ khiếu kiện…

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, tiến độ giải ngân trong các tháng cuối năm và các năm tiếp theo dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư và các vướng mắc, khó khăn dần được giải quyết. Công tác đầu tư của các doanh nghiệp được thực hiện nghiêm túc, bám sát với kế hoạch vốn đầu tư được giao, tập trung vào các dự án lớn, có giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tình hình kinh doanh của 04 Ngân hàng thương mại nhà nước ra sao?

Theo Bộ KH&ĐT, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của 04 Ngân hàng thương mại nhà nước và các doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước như: VCB, BIDV, Agribank, Viettinbank, Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX), Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), Nhà máy ìn tiền quốc gia, Công ty Quản lý tài sản như sau:

Tổng tài sản 6 tháng đầu năm 2023 của 4 ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước đạt 8.745.602 tỷ đồng, tương đương 99,6% thực hiện năm 2022. Tổng tài sản 8 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 8.698.789 tỷ đồng, tương đương 99% năm 2022.

6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của 4 ngân hàng và 04 DNNN trực thuộc đạt 255.142 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch năm. Đến cuối tháng 8 năm 2023, tổng doanh thu của 04 Ngân hàng thương mại và 04 DNNN trực thuộc ước tính là 487.895 tỷ đồng, đạt 82,2% kế hoạch NHNN giao.
Tổng lợi nhuận trước thuế của của các đơn vị này trong 6 tháng đầu năm là 59.315 tỷ đồng, đạt 53,2% kế hoạch năm 2023. Ước tính tổng lợi nhuận trước thuế 08 tháng đầu năm 2023 là 92.009 tỷ đồng đạt 82,5% kế hoạch năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp nhà nước “làm ăn” ra sao trong 8 tháng qua?