Doanh nghiệp ngành hóa chất vươn lên mạnh mẽ giữa đại dịch

Trang Nhi| 13/11/2021 20:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp ngành hóa chất đã nỗ lực vươn lên, phục hồi mạnh trong “bình thường mới”.

Doanh nghiệp ngành hóa chất hưởng lợi

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định ngành hóa chất là ngành công nghiệp cơ bản, lâu đời, có đóng góp quan trọng trong hầu hết các hoạt động công nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội nói chung. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu nhất của ngành này là khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất và tiêu dùng, vì thế nhiều sản phẩm hóa chất quan trọng vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Bởi vậy, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành hóa chất đã gặp khó khăn, nhất là trong lưu thông hàng hóa tiêu thụ sản phẩm và tổ chức sản xuất.

Song hóa chất vẫn vươn lên khi 9 tháng năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hóa chất tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,66 tỷ USD.

1.jpg

Hóa chất là một trong số ít các ngành được hưởng lợi nhờ COVID-19.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất, kinh doanh hóa chất cũng được hưởng lợi trực tiếp từ dịch bệnh nhờ nhu cầu phục vụ cho y tế, phòng bệnh tăng cao như nhóm các ngành hóa chất khử trùng tẩy rửa. Dịch COVID-19 bùng phát làm tăng đột biến các sản phẩm này dù không chiếm nhiều tỷ trọng trong chuỗi ngành hóa chất.

Theo đề án phát triển ngành hóa chất của Việt Nam, ngành hóa chất hiện đang tăng trưởng với tốc độ 10-10,5%/năm. Tuy nhiên, mục tiêu của ngành công nghiệp hoá chất chính là nâng mức tăng trưởng lên ít nhất 20%.

Để đạt được điều này trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, các doanh nghiệp đã thích nghi tốt khi tận dụng lợi thế của tình hình hiện tại và đưa ra những chiến lược tập trung vào những mảng sản phẩm được hưởng lợi, có nhu cầu lớn, giá trị gia tăng cao, có lợi thế đảm bảo an ninh lương thực, an ninh y tế. Trong đó phải kể đến những doanh nghiệp tiêu biểu đã làm tốt như công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, Công ty CP XNK Hóa chất và Thiết bị Kim Ngưu (VIETCHEM),…

Cần chiến lược phát triển lâu dài

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên từng nhận định, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, nền công nghiệp đang phát triển mạnh, năng động với thị trường tiêu dùng nội địa gần 100 triệu dân.

Bộ trưởng nhìn nhận, trong thời gian qua, ngành hóa chất có sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế, nhiều dự án quy mô lớn, cho thấy, nhu cầu của thị trường và chính sách hấp dẫn của nhà nước đối với phát triển công nghiệp và công nghiệp hoá chất nói riêng.

Để phát triển công nghiệp hóa chất trở thành một ngành công nghiệp nền tảng cho phát triển kinh tế đất nước, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý, thứ nhất, cần phải khẩn trương và tập trung cao để nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành hóa chất Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, bám sát vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết của Đảng, đồng thời, xây dựng kế hoạch để phân kỳ tổ chức thực hiện, đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, bao gồm các sản phẩm hóa chất có nhu cầu lớn, giá trị gia tăng cao, có lợi thế đảm bảo an ninh lương thực, an ninh y tế.

2.jpg

Ngành hóa chất cần tập trung phát triển những sản phẩm ưu tiên hậu đại dịch.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu lựa chọn địa điểm phù hợp, khẩn trương khuyến cáo đến các ngành, các cơ quan chức năng và các địa phương bổ sung trong quá trình quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch quốc gia đối với ngành hóa chất và công nghiệp hóa chất; đề xuất giải pháp thu hút đầu tư hình thành các tổ hợp sản xuất kinh doanh hóa chất tập trung, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo yêu cầu về an toàn, môi trường và có tính đến các yếu tố kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ trong ngành hóa chất, tập trung vào việc sử dụng các sản phẩm phụ, chất thải hiện có của ngành làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất các sản phẩm khác.

Thứ tư, đề xuất xây dựng giải pháp phát triển công nghiệp hóa chất xanh, hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho con người.

Thứ năm xây dựng, đề xuất các chính sách để phát triển và quản lý mạng lưới các tổ chức tư vấn đầu tư, hỗ trợ cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về quản lý hóa chất.

Đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, quán triệt thật tốt quan điểm đường lối, chính sách của Đảng. Tận dụng cơ hội, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới để biến thách thức thành cơ hội, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của mình.

Theo đó, các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về đầu tư sản xuất kinh doanh song song với việc đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chủ động công tác truyền thông, đối thoại với cộng đồng để cải thiện hình ảnh về một nền công nghiệp hóa chất thân thiện với con người và môi trường.

Trên cơ sở đó, nâng cao năng lực trong phân tích, dự báo thị trường để bổ sung hoàn thiện chiến lược, kế hoạch phát triển hợp lý, phấn đấu đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, nguồn lực xã hội, ứng dụng công nghệ cao để cố gắng giảm thiểu tác động đến môi trường… để ngay sau khi Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm vaccine cho toàn bộ người dân, các ngành công nghiệp, sản xuất… trở lại guồng vận hành như trước dịch bệnh thì các doanh nghiệp ngành hóa chất phải đáp ứng được nhu cầu cung ứng nguyên liệu. Từ đó từng bước đưa doanh nghiệp quay trở lại chuỗi cung ứng sau đại dịch và trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp ngành hóa chất vươn lên mạnh mẽ giữa đại dịch