Doanh nghiệp khai khoáng và trách nhiệm đối với xã hội

Hà Thu Phương| 25/11/2015 08:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là vấn đề đặt ra và có nhiều ý kiến tại Hội thảo "Doanh nghiệp khai khoáng và trách nhiệm xã hội với cộng đồng địa phương” được tổ chức ngày 24/11, tại Hà Nội.

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI phối hợp Trung tâm Phát triển và Hội nhập - CDI tổ chức.

Quyền lợi phải đi liền với trách nhiệm

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết: Trong tất cả các ngành, không chỉ riêng ngành khai khoáng, việc thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp đối với cộng đồng đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào nhận thức được điều đó thì sẽ rất thành công và phát triển bền vững, bởi lẽ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gắn chặt với năng lực cạnh tranh, vấn đề quản trị khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất… Riêng đối với ngành khai khoáng là ngành có nhiều đặc thù như sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, liên quan đến cộng đồng như di dời chỗ ở của người dân khi khai mỏ, vấn đề môi trường, trữ lượng mỏ, thuế… nên việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về trách nhiệm của các bên là rất quan trọng.

Trên thế giới đã có những hướng đi hiệu quả, trong đó điển hình là Liên minh khai khoáng EITI do nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair khởi xướng với sự tham gia của 40 quốc gia trên thế giới. Khi tham gia liên minh này, tất cả các bên, từ Chính phủ đến doanh nghiệp và cộng đồng đều ý thức được trách nhiệm của mình trong việc khai thác mỏ và tài nguyên thiên nhiên.

Ông Nguyễn Minh Đường, Chủ tịch Hiệp hội Tuyển khoáng Việt Nam cũng khẳng định: Bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động tại địa phương mà không có trách nhiệm cộng đồng với địa phương đó thì không thể tồn tại được. Doanh nghiệp phải có được sự ủng hộ, hợp tác từ chính quyền và đặc biệt là từ cộng đồng địa phương thì mới phát triển bền vững được.

Một số đại diện doanh nghiệp khai thác và sử dụng khoáng sản cũng cho rằng, việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng địa phương là điều bắt buộc nếu muốn doanh nghiệp tồn tại. Ông Lưu Ngọc Anh, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cho rằng, trong thời gian 60 năm khai thác quặng, Công ty đã thực hiện nhiều hoạt động cùng địa phương, mới đây nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Công ty cũng đã cam đoan đóng góp 16 tỷ đồng cho ngân sách địa phương trong ngành, giúp xây dựng một số trường học vùng cao. Đối với việc tuyển quặng, Apatit Việt Nam luôn thực đầy đủ trách nhiệm về môi trường đối với địa phương.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Bỉm Sơn, trên thực tế, Công ty đã cố gắng và làm được rất nhiều việc cho địa phương, thực hiện đóng thuế, phí đầy đủ. Tuy vậy, khi bàn đến vấn đề trách nhiệm cũng cần tính đến trách nhiệm của địa phương đối với doanh nghiệp bởi doanh nghiệp có rất nhiều vướng mắc liên quan đến địa phương.

Cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của doanh nghiệp

Theo Trung tâm Con người và thiên nhiên, phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản là một công cụ chính sách được xây dựng với mục tiêu tạo nguồn lực tài chính để bù đắp các tổn thất do hoạt động khai khoáng gây ra. Việt Nam bắt đầu thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản từ năm 2006 theo nội dung của Nghị định số 137/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2006 - 6/2008. Sau đó, để sửa đổi những bất cập trong chính sách thu phí bảo vệ môi trường, Nghị định số 63/2008/NĐ-CP được ban hành, quy định đối tượng nộp phí được bổ sung với nhiều nhóm khoáng sản khác nhau. Đến năm 2011, Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ban hành có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012 bổ sung các đối tượng nộp phí, cũng như nâng mức phí đối với một số khoáng sản.

Như vậy, việc thu phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản đã được thực hiện hàng chục năm, tạo ra một nguồn lực tài chính đáng kể cho nhiều địa phương. Nhưng hiệu quả của chính sách thu phí bảo vệ môi trường về mặt xã hội và môi trường vẫn chưa được đánh giá và rà soát lại. Tại nhiều khu mỏ đã khai thác xong, chính quyền cấp xã cho biết chưa hề được đầu tư các dự án làm sạch môi trường. Một số xã khác không nhận được các khoản phân bổ tài chính từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Hầu hết các lãnh đạo cơ sở chưa hiểu rõ bản chất thực sự của phí bảo vệ môi trường. Hiện tượng này đặt ra câu hỏi lớn về tính hiệu quả của chính sách, vấn đề minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường và quyền lợi của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó là tình trạng doanh nghiệp theo đuổi mục đích lợi nhuận nên thường xem nhẹ vấn đề môi trường. Không ít người dân theo đuổi mục tiêu bình ổn đời sống nên thường chỉ thấy lợi ích trước mắt. Hậu quả dẫn tới là xung đột trong hoạt động khoáng sản ngày càng phổ biến và gay gắt. Từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường đã xử phạt vi phạm về môi trường 6.500 vụ với tổng số tiền 74 tỷ đồng. Nhiều vụ việc có hàng ngàn người dân tụ tập phản đối hoạt động khai thác khoáng sản làm suy thoái đất, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí…

Do đó, để giải quyết tận gốc những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình hoạt động khoáng sản, trước hết cần quy định rõ địa giới hành chính nơi có hoạt động khai thác như các huyện và xã bị ảnh hưởng. Đồng thời, quy định cụ thể hơn vai trò của chính quyền các cấp trong bố trí và sử dụng ngân sách phục vụ đầu tư phát triển xã hội và khắc phục hậu quả môi trường, nơi có hoạt động khoáng sản.

Bên cạnh đó, sửa đổi về cơ chế quản lý theo hướng hàng năm UBND cấp xã có hoạt động khai thác mỏ, phải tiến hành tham vấn cộng đồng dân cư và xây dựng kế hoạch đầu tư cho môi trường tại địa phương. Cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của doanh nghiệp khai khoáng trong việc hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, để người dân biết rõ những lợi ích mang lại từ hoạt động khoáng sản, qua đó tạo sự đồng thuận giữa người dân và doanh nghiệp.

Tại Hội thảo này, các đại biểu cũng đã được giới thiệu một số văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản và cùng thảo luận một số nội dung về trách nhiệm xã hội: Các vấn đề đặt ra với doanh nghiệp khai khoáng trong bối cảnh hiện nay và giải pháp; thực trạng việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp khai khoáng tại Việt Nam; người dân ở đâu trong khai thác khoáng sản? Đánh giá tác động của hoạt động khai khoáng tới địa phương; trách nhiệm xã hội doanh nghiệp có là một trong những biện pháp để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn và giảm thiểu xung đột xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp khai khoáng và trách nhiệm đối với xã hội