Doanh nghiệp đề xuất phương án để “sống chung” an toàn với COVID-19 và phát triển kinh tế

Trang Nhi| 06/07/2021 15:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đã đề xuất lên Chính phủ phương án “sống chung” an toàn với dịch bệnh và phát triển kinh tế hiệu quả.

Các doanh nghiệp tập trung đề xuất một số vấn đề chính: Chính sách tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, khó khăn trong dịch; Chính sách thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.

Qua đó, các doanh nghiệp cũng đồng thời đề xuất các biện pháp, giải pháp để cụ thể hóa Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, cũng như cụ thể hóa các chỉ đạo khác của Chính phủ liên quan tới “mục tiêu kép” trong bối cảnh đại dịch.

Doanh nghiệp mong sớm được nới điều kiện vay vốn

Hiện các doanh nghiệp đang giảm kỳ vọng đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua. Nguyên nhân có thể là do cách thiết kế các quy định, thủ tục để truyền tải chính sách hoặc quá trình thực thi chính sách còn chưa sát với thực tiễn, chưa nhất quán với chủ trương lớn của Đảng - Chính phủ về hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh dịch bệnh.

Do đó, đối với các chính sách hỗ trợ tới đây, các doanh nghiệp/hiệp hội rất mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực, để mỗi chính sách được ban hành đều có thể nhanh chóng phát huy giá trị. Song song với đó, cần tổ chức công tác giám sát, rút kinh nghiệm thường xuyên và chú trọng việc truyền thông chính sách để khâu thực thi luôn đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp.

1.png

Doanh nghiệp mong muốn các gói hỗ trợ cần có tính hiệu quả, thực thi cao.

Bên cạnh các kiến nghị về các chính sách hỗ trợ trước mắt có tính chất ngắn hạn để tạm thời vượt qua khó khăn, doanh nghiệp/hiệp hội tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chú trọng tổ chức các cuộc trao đổi, tham vấn với doanh nghiệp để cùng tìm ra các giải pháp có tính “dài hơi” hơn, nhằm phối hợp chặt chẽ tâm - trí - lực của hai khối công - tư để nhận diện các xu hướng phát triển trong bối cảnh đại dịch ở từng ngành, lĩnh vực, đánh giá các biện pháp cần thiết cả ở góc độ chính sách cũng như hành động chủ động của doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt cơ hội do bối cảnh này mang lại đồng thời hạn chế các khó khăn đã, đang và sẽ phát sinh.

Đề cập đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp, hiệp hội đều đồng thuận đề xuất: Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chỉ đạo các Ngân hàng thương mại (NHTM) xây dựng các gói vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2021. Trong đó, ưu tiên doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực đang kêu gọi xã hội hóa, lĩnh vực bị "đóng băng" hoạt động trong dịch như du lịch, dịch vụ du lịch,... để được vay mà không cần điều kiện. Bởi hiện nay do yêu cầu phòng chống dịch, hầu hết doanh nghiệp các ngành này đã phải đóng cửa hoạt động, hoàn toàn không có nguồn chi trả lương.

Đề xuất này được đưa ra bởi hiện nay, mặc dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã ban hành nhưng nhiều NHTM thông báo "đã cho vay vượt quy mô vốn ưu đãi cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19" nên dừng giải ngân, dẫn tới tăng trở lại các khoản lãi suất vay liên quan sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ tiếp tục xem xét các chính sách giúp miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho doanh nghiệp tới hết 2022 (như thuế đất/tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản phí đặc thù từng ngành...).

Các doanh nghiệp còn đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ chuyên ngành đánh giá kỹ để ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng trong một số ngành cụ thể (như chính sách giảm phí trước bạ 50% cho người mua ô tô từ tháng 7/2020 đến hết năm 2020 đã kích thích tiêu dùng trong nước đặc biệt hiệu quả).

Đồng thời, DN cũng mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương không ban hành các chính sách mới hoặc áp dụng các chính sách từ nay tới hết năm 2022 mà làm tăng chi phí cho DN về thuế, phí, lệ phí, hoặc tăng ngân sách đầu tư mới các hạng mục nhằm đáp ứng các yêu cầu điều kiện kinh doanh, quy trình, thủ tục hành chính của nhà nước; Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương phối hợp xây dựng các quy trình “luồng xanh” (ưu tiên) cho hàng hóa xuất nhập khẩu để hỗ trợ tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch…

Self-test - mô hình tự xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 tại nhà

Về chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, các doanh nghiệp, hiệp hội tập trung đề xuất: Chính phủ cho rà soát việc triển khai đang còn rất khác nhau tại các ngành, các địa phương về chiến dịch mua và tiêm vắc xin cho người dân và người lao động tại các doanh nghiệp; minh bạch các tiêu chí xét đối tượng ưu tiên trong doanh nghiệp, công bố quy trình chuyên môn liên quan để người lao động và doanh nghiệp nắm bắt nhằm tổ chức tốt hơn hoạt động từ phía doanh nghiệp và phối hợp hiệu quả với Chính phủ và các chính quyền trong khâu thực thi.

2.png
Đa số các doanh nghiệp đều hy vọng sớm được tiêm vắc xin để ổn định kinh doanh sản xuất. Ảnh: ACV

Điểm đáng chú ý, các doanh nghiệp còn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và một số cơ quan, địa phương xây dựng những quy trình mẫu cho mô hình “hợp tác công - tư” trong việc tìm kiếm, đàm phán, mua và tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và công bố công khai các quy trình mẫu này nhằm giúp doanh nghiệp hình dung và hoạch định tốt hơn các hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình phòng, chống dịch.

Ngoài ra, doanh nghiệp, hiệp hội còn đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia khác về triển khai chiến lược tự xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 tại nhà để có căn cứ tham mưu ban hành các chủ trương, hướng dẫn liên quan cho việc sử dụng các sản phẩm dạng “self-test”, nhằm giúp hạn chế sức người, sức của và khả năng lây lan khi tập trung đông người trong những chiến dịch xét nghiệm, truy vết tập trung hiện nay. Đồng thời, đây cũng là cách hiệu quả để chuẩn bị cho chiến dịch “sống chung với COVID-19” trong bối cảnh bình thường mới.

Có thể thấy, kỳ vọng của DN hiện tập trung nhiều vào nhóm chính sách liên quan tới chiến dịch vắc xin phòng COVD-19. Từ đó, các doanh nghiệp mới yên tâm phục hồi sản xuất, kinh doanh, không bị đứt gãy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp đề xuất phương án để “sống chung” an toàn với COVID-19 và phát triển kinh tế