Doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy phép nếu không xuất khẩu gạo

Minh Khang| 16/12/2021 21:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có giấy phép xuất khẩu gạo nhưng nếu một thời gian dài không hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy phép.

Nội dung này được nêu trong dự thảo sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Việc siết lại kinh doanh xuất khẩu gạo này là do thực tế có 39 trên 205 thương nhân được cấp giấy phép nhưng không xuất khẩu gạo từ tháng 12/2019 đến nay.

"Nhiều thương nhân được cấp Giấy chứng nhận nhưng không có thị trường, không có khả năng, năng lực xuất khẩu, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã không thể xuất khẩu trong gần 2 năm", Bộ Công Thương đánh giá.

Ở lần sửa đổi này, cơ quan quản lý đề xuất thu hồi giấy phép thương nhân không xuất khẩu liên tục (bản dự thảo hiện chưa đề cập chính xác thời gian); hoặc thay đổi nội dung trên giấy phép quá 3 tháng nhưng không đề nghị điều chỉnh.

Nông dân thu hoạch lúa ở Sóc Trăng. Ảnh: Nguyệt Nhi

Nông dân thu hoạch lúa ở Sóc Trăng. Ảnh: Nguyệt Nhi

Sau 3 năm thực hiện Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương nhận thấy đã phát sinh kẽ hở trong uỷ thác xuất khẩu. Do đó, cơ quan này đề xuất tới đây chỉ thương nhân được cấp giấy chứng nhận và thực hiện xuất khẩu gạo được nhận được ủy thác.

Thương nhân không kê khai, báo cáo số liệu, thống kê hợp đồng xuất khẩu gạo và thực hiện hợp đồng có thể sẽ bị áp dụng chế tài như dừng làm thủ tục hải quan với lô xuất khẩu gạo.

Không chỉ vậy, quy định hiện tại chưa đề cập yêu cầu về sức chứa kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo. Điều này dẫn tới không có mức chuẩn tối thiểu với cơ sở kinh doanh xuất khẩu gạo, nên không đảm bảo công bằng trong đầu tư tham gia thị trường của các thương nhân, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

Bộ Công Thương cho rằng tiêu chuẩn hóa đầu tư cơ sở hạ tầng là tiền đề xây dựng thương hiệu gạo quốc gia trong bối cảnh tiêu chuẩn thị trường ngày càng khắt khe. Bộ Công Thương đề nghị thêm quy định theo hướng, cơ quan quản lý tại địa phương được cấp giấy chứng nhận tăng cường kiểm tra đáp ứng các điều kiện kinh doanh của thương nhân nếu cần xác minh thông tin.

Năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo. Trong tháng 11, giá xuất khẩu gạo tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 527,28 USD một tấn, trong khi tại thị trường trong nước, giá lúa gạo vẫn giữ ổn định.

Sau 11 tháng, lượng gạo xuất khẩu đạt 5,7 triệu tấn, thu về 3 tỷ USD, tăng 0,8% về khối lượng và 7,3% giá trị so với cùng kỳ 2020. Từ nay tới Tết Nguyên đán được coi là "thấp điểm" nên việc xuất khẩu gạo sẽ chậm lại. Nhiều dự báo mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn năm 2011 sẽ khó đạt. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn trong năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy phép nếu không xuất khẩu gạo