Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì một trong những nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp (DN) là không kịp tiến độ đơn hàng. Do đó, khi địa phương trở lại trạng thái mới DN đã lên phương án để sẵn sàng đón công nhân (CN) trở lại nhà máy.
Nhiều chính sách để giữ chân người lao động
Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam là một trong những DN có số lượng CN nhiều nhất ở Bình Dương (khoảng 10.000 lao động), trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội, DN phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, với khoảng 1.000 CN tham gia sản xuất. Trong thời gian này, để giữ chân NLĐ, DN vẫn trả 70% tổng thu nhập cho họ. Tuy nhiên, khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới thì DN có nguy cơ sẽ mất khoảng 500 lao động do đã về quê. Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty, cho biết, có khoảng 7% lao động đã về quê khó có thể trở lại Bình Dương sau ngày 30/9, cộng với khoảng 10% chưa được tiêm vaccine. Do đó, DN dự kiến bố trí khoảng 80% CN trở lại làm việc sau khi được địa phương cho phép, nhưng chủ yếu vẫn theo phương án “3 tại chỗ”.
Bà Nhung cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, mặc dù DN phải bù lỗ nhưng vẫn trả lương cho NLĐ là một sự cố gắng nhằm để NLĐ có tiền trang trải cuộc sống tối thiểu. Sau dịch, nếu CN về quê chưa vào được mà có liên hệ với công ty thì sẽ được tính vào nghỉ phép năm, còn CN không đi làm mà công ty cũng không liên lạc được trong vòng 5 ngày thì sẽ bị cắt hợp đồng. “Tuỳ theo tình hình lúc đó, nếu được phép thì công ty và công đoàn cơ sở sẽ có kế hoạch đón CN ở quê trở lại được với DN nếu như CN vẫn còn nguyện vọng vào công ty làm việc”, bà Nhung nói.
Còn tại Công ty TNHH Chí Hùng (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), gần 10.000 CNLĐ của công ty đã tạm ngưng làm việc hơn 2 tháng nay do công ty không thể bố trí “3 tại chỗ”, tuy nhiên họ vẫn được công ty trả lương bằng mức tối thiểu vùng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó tổng giám đốc công ty, cho biết hiện nay DN đã lên các phương án và thông báo cho anh chị em CN sẵn sàng đi làm khi được cơ quan chức năng cho phép hoạt động sản xuất trở lại.
Vẫn ưu tiên sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, cho biết hiện các DN ở tỉnh này vẫn chủ yếu thực hiện mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đối với mô hình “3 xanh” thì tỉnh đang bắt đầu triển khai, tuy nhiên mô hình này đòi hỏi tiêu chí khắt khe từ NLĐ, khu phố cho đến nhà máy đều phải xanh.
Thực hiện mô hình “3 xanh”, tỉnh Bình Dương đề nghị chủ đầu tư, DN phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào DN. Đồng thời thực hiện việc quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến NLĐ (người ở chung, địa chỉ nơi đang ở, lộ trình di chuyển hàng ngày từ nơi ở đến công ty, DN).
Cùng với đó, để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo từ cộng đồng (các khu nhà trọ, chỗ ở của CN) vào trong DN và ngược lại, chính quyền địa phương chủ động phối hợp DN liên hệ, vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ tổ chức thí điểm sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ theo hướng bố trí cho những CN cùng làm chung một DN được ở chung một phòng hoặc một dãy, nếu đảm bảo đủ điều kiện thì bố trí cho tất cả các CN của cùng một nhà máy, một DN ở chung nhà trọ hoặc các khu nhà trọ liền kề.
Ông Phan Thế Hiệp, đại diện Công ty TNHH gốm sứ xuất khẩu ESCHBACH (phường Tân Định, TX Bến Cát, Bình Dương), cho biết để xây dựng phương án mô hình “3 xanh”, trước hết DN lập danh sách NLĐ đang ở khu vực xanh, có đầy đủ thông tin nơi cư trú của họ, nếu ở trọ thì có thông tin của chủ nhà trọ để DN liên hệ, sắp xếp, bố trí chỗ ở cho NLĐ. Sau đó, chọn ra 5 nhà trọ rồi gom CN đến ở chung. “Rất may là các chủ nhà trọ đều ủng hộ khi DN thực hiện mô hình này”, ông Hiệp nói.
Đối với DN, khi thực hiện “3 xanh” phải lên tình huống xử lý khẩn cấp khi có trường hợp nghi mắc Covid-19, thành lập các tổ an toàn Covid ngay trong các phân xưởng. Ông Hiệp cho biết, công ty có 275 CN, nhưng hiện chỉ có 126 CN đang thực hiện mô hình “3 xanh”. Số còn lại không thể thực hiện được mô hình này vì một số ở TP. HCM, một số sinh sống ở khu vực vùng vàng hoặc vùng đỏ. “Tuy nhiên, công ty vẫn trả lương đầy đủ cho những trường hợp này, thấp nhất là bằng mức lương tối thiểu vùng, ông Hiệp cho hay.
Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát, cho biết hiện nay địa phương có nhiều DN đã đăng ký mô hình “3 xanh”. Để bảo đảm an toàn khi thực hiện mô hình này, thị xã đã thành lập tổ thẩm định gồm UBND thị xã, phòng LĐTBXH và các xã phường. Khi DN đăng ký mô hình này thì trước tiên phải có phương án, thứ hai CNLĐ phải ở khu vực xanh, việc di chuyển của CN cũng phải đảm bảo đúng như yêu cầu của cơ quan chức năng. “DN căn cứ vào năng lực, điều kiện cụ thể về phòng, chống dịch bệnh để xây dựng phương án sản xuất phù hợp và gửi đến cơ quan có thẩm quyền để thẩm định, phê duyệt trước khi đi vào hoạt động sản xuất”. ông Ân nói.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, khi DN trở lại hoạt động thì vẫn trên tinh thần tăng dần dần số lượng CN tham gia sản xuất, chứ không thể mở cửa ồ ạt. Do đó, nhu cầu trước mắt của DN là mong muốn được hoạt động trở lại trước đã. Về phía trách nhiệm của Sở cũng đã cố gắng thực hiện gói an sinh và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 68 đối với lao động ngừng việc hoặc tạm hoãn hợp đồng, đây là chính sách giúp NLĐ yên tâm ở nhà chống dịch và gắn bó với DN.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: “Các địa phương khi trở lại trạng thái “bình thường mới” thì việc sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn thực hiện mô hình “3 xanh” nhằm thúc đẩy và bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.