Hôm nay (11/12), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), đã khai mạc Phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Tại buổi tham luận, đại biểu Nguyễn Thạch Thảo - Bí thư Liên Chi đoàn khoa Tiếng Bồ Đào Nha, Đại học Hà Nội, thay mặt tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội phát biểu tham luận về “Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi”.
Đại biểu Nguyễn Thạch Thảo nhấn mạnh: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn của Thủ đô đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức giáo dục, phát huy tính tích cực, tinh thần tự giác, tự giáo dục, tự rèn luyện của thanh niên”.
Đồng chí Nguyễn Thạch Thảo - Bí thư Liên Chi đoàn khoa Tiếng Bồ Đào Nha, Đại học Hà Nội thay mặt tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội phát biểu tham luận. Ảnh Hoàng Long.
Theo đó, trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn của Thủ đô đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức giáo dục, phát huy tính tích cực, tinh thần tự giác, tự giáo dục, tự rèn luyện của thanh niên.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác giáo dục. Đoàn thanh niên thành phố đã cụ thể hóa cho từng khối đối tượng, triển khai với nhiều phương thức, mô hình phong phú, đa dạng, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của thanh thiếu niên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thẩm thấu và trở thành hành động tự thân của các bạn trẻ.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo đã xuất hiện và được nhân rộng trong toàn thành phố. Từng cơ sở Đoàn, mỗi đoàn viên thanh niên chủ động thiết kế, lựa chọn những chương trình, việc làm cụ thể trong học tập và làm theo lời Bác. Với cách làm như vậy, những năm qua, Thành đoàn Hà Nội đã phát hiện và tôn vinh hàng ngàn tấm gương tiêu biểu – những bông hoa ngát hương của tuổi trẻ Thủ đô.
Các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Đoàn được thường xuyên truyền tải tới thanh niên bằng nhiều phương thức mới, đa dạng, hấp dẫn...như các diễn đàn, toạ đàm, các cuộc thi.
Trong bài tham luận, đồng chí Nguyễn Thạch Thảo đặc biệt nhấn mạnh các chương trình: “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, “Điểm hẹn thanh niên Thủ đô” trong từng khu vực, đối tượng thanh niên tạo những sân chơi lành mạnh, bổ ích, phù hợp với thị hiếu và sở thích của thanh niên, đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe, thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần…qua đó thu hút rất đông đảo những người trẻ tham gia, góp phần cụ thể hóa cuộc vận động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đẩy mạnh thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, bộ quy tắc ứng xử tại cơ quan đơn vị.
Toàn cảnh đại hội. Ảnh Hoàng Long.
Công tác nắm bắt, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên được thực hiện kịp thời. Đội hình nắm bắt Dư luận xã hội hoạt động chủ động, hiệu quả, được Thành phố quan tâm, tạo cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động; câu lạc bộ tuyên truyền viên – báo cáo viên trẻ Thủ đô gọi tắt là câu lạc bộ 05 với hàng trăm thành viên là cán bộ Đoàn từ Thành phố đến cơ sở, đại diện các sở, ban, ngành, chuyên gia về mạng và an ninh mạng…trong thời gian qua đã hoạt động rất tích cực, góp phần đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch và định hướng tư tưởng, nhận thức cho người trẻ.
Tổ chức Đoàn các cấp đã tiếp cận và khai thác hiệu quả các công cụ truyền thông hiện đại, các công nghệ mới để tuyên truyền, vận động thanh thiếu nhi. Bên cạnh những phương thức giáo dục truyền thống vẫn được duy trì, việc sử dụng các trang fanpage: Người trẻ Hà Nội, Tôi yêu Hà Nội… để kết nối cộng đồng mạng xã hội rộng rãi, truyền tải những nội dung giáo dục với thông điệp ngắn gọn, hấp dẫn và có tính tương tác cao, thu hút sự quan tâm, tham gia của thanh niên.
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, sự quan tâm của các cấp, các ngành, toàn xã hội, sự nỗ lực của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, công tác giáo dục thế hệ trẻ của Thủ đô đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuổi trẻ ngày càng có môi trường, điều kiện tốt hơn để rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách. Đại bộ phận thanh thiếu nhi tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước; sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân; có ước mơ, hoài bão; có kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt; tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn thừa nhận, công tác giáo dục thanh thiếu nhi vẫn còn những hạn chế. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp…
Dưới đây là các giải pháp mà thành đoàn Hà Nội sẽ tập trung để nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục trong công tác giáo dục của Đoàn, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, yêu Thủ đô; tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh thiếu nhi, phải bồi đắp và củng cố niềm tin của thanh thiếu nhi đối với sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, thường xuyên tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền định kỳ gặp gỡ, trao đổi, đối thoại về những vấn đề thanh niên đang quan tâm, đang cần hỗ trợ, định hướng. Thông qua những diễn đàn như vậy sẽ truyền lửa nhiệt tình cách mạng và củng cố niềm tin cho thế hệ trẻ.
Thứ ba, trong quá trình tổ chức giáo dục cần kết hợp sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của ngành giáo dục, gia đình, đoàn thể và toàn xã hội; hiệu quả từ các mô hình “Gia đình tình nguyện – Cộng đồng tình nguyện”, mô hình 3+ở khu vực địa bàn đô thị (Thanh niên, Phụ nữ, Cựu Chiến binh), 5+ ở khu vực địa bàn nông thôn (Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân, Liên đoàn lao động) đã và đang được cấc cấp bộ Đoàn ở Hà Nội triển khai cho thấy vai trò quan trọng của cộng đồng trong giáo dục người trẻ.
Thứ tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong thanh niên, nhất là ở các địa bàn nhạy cảm. Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.
Thứ năm, là giải pháp cho các đơn vị xây dựng kênh thông tin: Cần có cơ chế cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời để mỗi đoàn viên trong tổ chức đều là người có thể truyền tải thông điệp giáo dục thanh thiếu nhi. Chính các cán bộ Đoàn ở cơ sở là các mắt xích kết nối đoàn viên, thanh niên ở khắp nơi, giúp các nội dung phong trào có thể lan tỏa một cách mạnh mẽ.
Tiếp tục tận dụng ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, nâng cao vai trò của mạng xã hội, hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn trong giáo dục thanh thiếu nhi. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa của Đoàn, Hội, Đội. Khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi.
Tổ chức Đoàn Thanh niên cần xây dựng được những kênh thông tin hợp lý, cập nhật, nắm rõ xu hướng giới trẻ để có thể tạo nên được chuỗi các thông tin trọng tâm, đặc sắc, thu hút được nhiều đối tượng quan tâm hơn. Có thể lồng ghép chủ đề giáo dục thanh niên trong chính các chủ đề đang nóng, các chủ đề mang tính hài hước để được quan tâm nhiều hơn.
Thứ sáu, đề cao vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện của thanh niên, quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thanh niên phát triển, hoàn thiện nhân cách.