Lao động nông nhàn từ các khu vực ven TP Thanh Hóa như Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Triệu Sơn… đổ dồn lên các khu “chợ người” để tìm kiếm việc làm. Trong khi đó cả nghìn người ở các nhà máy, xí nghiệp đang bị giảm, mất việc khiến nỗi lo Tết “tềnh toàng” ngày một hiện hữu.
Người ngồi chờ việc tại ngã tư Phú Sơn
Đìu hiu cảnh chờ việc
Bất chấp thời tiết lạnh giá, ngay từ sáng sớm, anh Lê Đình Lâm (40 tuổi ở Hoằng Lưu, Hoằng Hóa) đã có mặt trên tuyến đường đại lộ Lê Lợi để ngồi chờ việc. Hành trang của anh là 1 cái xẻng, 1 cái thúng được buộc phía sau chiếc xe máy cà tàng. Nhà có 6 miệng ăn, quanh năm trông vào 4 sào ruộng năng suất thấp để hai vợ chồng nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học và một mẹ già. “Tranh thủ lúc chưa vào vụ cấy, tôi lên đây xem có ai thuê gì thì làm nấy. Mình lao động chân tay, bốc vác, phụ hồ, sà bần, dọn dẹp… làm tất. Kiếm thêm lấy đôi ba trăm nghìn mua cho con cái áo mới cho bằng bạn bằng bè. Mình đói rét tý cũng không sao”.
Đang nói chuyện thì có người gọi anh đi bê cây. Có được công việc, chẳng biết công sá thế nào, anh cuống cuồng chạy theo người gọi. Cũng chỉ còn hơn nửa tháng là Tết đến. Tại các khu vực dọc tuyến đường Nguyễn Duy Hiệu (phường Đông Hương) người dân đã bày bán quất, bưởi, đào để thượng đế thỏa thích lựa chọn. Có những cây to vài người ôm, nặng trịch cần nhiều người khiêng, chở đi. Lúc này là thời điểm kiếm cơm của những người lao động thời vụ như anh Lâm vào việc.
Dọc các tuyến đường đại lộ CSEDP, Lê Lợi không khó để bắt gặp cảnh năm, bảy người đàn ông đang túm tụm lại với nhau nói chuyện chờ người gọi đi làm. Họ tập trung lại khu vực trước chợ Vườn Hoa, gần công viên Hội An. Nơi này thoáng, dễ kiếm việc và không bị các lực lượng “hỏi thăm”. Tại khu vực ngã tư Phú Sơn số lượng người tập trung tại đây cả sáng, lẫn chiều. Vào thời điểm này của những năm trước, khắp các khu phố đều thấy các nhà sửa sang, xây mới, hoặc chí ít là sơn lại nhà để chuẩn bị đón xuân. Năm nay kể cả các công trình lớn hầu như hoạt động xây dựng đã ngừng từ vài tuần tới cả tháng trước. Một năm kinh tế ảm đạm, giá cả leo thang khiến nhiều chủ thầu điêu đứng. Không ít công nhân làm vài tháng trời mà không được nhận lương.
Anh Nguyễn Đình Hoàng (36 tuổi, xã Đông Hoàng, Đông Sơn) đợi từ sáng tới chiều mà chưa có ai gọi đi làm. Buổi trưa, anh chỉ dám ăn cầm chừng cái bánh mỳ không và uống nước. Lâu lâu sốt ruột anh lại ra làm điếu thuốc lào. Hy vọng có ai đó gọi mình đi làm khiến mắt anh đảo liên tục ra ngoài đường. “Tôi làm thợ xây, theo mấy anh em đi làm công trình lương cũng được hơn 7 triệu/ tháng. Gần đây chủ thầu mất liên lạc, không trả lương nên mọi người tùy nghi di tản. Nhà tôi có 2 con nhỏ, vợ chạy chợ nên tôi phải xuống đây xem có việc gì làm kiếm ít tiền tiêu Tết. Từ nhà xuống đây hơn 15km mà không có ai thuê, chẳng biết ngày mai có tiền đổ xăng nữa không. Tết đến nơi rồi mà không khí ảm đạm quá”.
Chị Hương ngồi nghỉ lấy sức trước khi tiếp tục hành trình bán hàng rong
Ngồi nghỉ trên đường Hạc Thành, chị Phạm Thị Hương (46 tuổi, xã Quảng Hợp, Quảng Xương) đeo theo một sấp linh tinh máy lửa, cắt móng tay, ví, bọc điện thoại… Tưởng có người mua hàng, chị đon đả chào mời. “Từ sáng tới giờ mới bán được cái ốp điện thoại và 2 cái bấm móng tay thôi chú ạ. Tôi trước làm công nhân may dưới thị trấn. Nhưng do công ty không có đơn hàng họ phải cho chị em nghỉ hàng loạt. Tết đến nơi rồi, trăm thứ phải lo, theo chị em lên thành phố bán linh tinh kiếm thêm. Lời đồng nào hay đồng đó, không thể ở nhà ôm chân nhìn ra được.” Nói rồi chị lại thất thểu từng bước đi bán hàng.
Bài toán nan giải
Trước tình hình người lao động bị giảm, mất việc làm, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng.
Theo đó, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới và khu vực, nên thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, giày da trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị giảm đơn hàng, cá biệt có doanh nghiệp không có đơn hàng nên phải cắt giảm lao động, cho người lao động nghỉ việc luân phiên hoặc phải tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động.
Tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn ở mức cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong doanh nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tiềm ẩn nguy cơ ngưng việc, tập trung đông người, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 25 doanh nghiệp đang thực hiện giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động với số lao động bị giảm là 7.240 người. Trong đó, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng là 5.278 người; chấm dứt hợp đồng lao động là 1.962 người. Dự báo đầu năm 2023, các doanh nghiệp may mặc, nhất là các doanh nghiệp giày da sẽ tiếp tục giảm đơn hàng, số người lao động mất việc làm vẫn chưa dừng lại.
Một số công ty phải cắt giảm lao động, thậm chí ngừng hoạt động, như: Công ty TNHH TCE Jeans (tại xã Hoằng Đồng, H.Hoằng Hóa) vừa qua cắt giảm 1.800 công nhân (công ty có 5.000 công nhân); Công ty TNHH Fruit Of the Loom (tại xã Quảng Lợi, H.Quảng Xương) cắt giảm 900 công nhân trong tổng số 3.200 công nhân; Công ty TNHH T&H Newstar (tại P.Đông Hải, TP.Thanh Hóa) và Công ty TNHH ABC (phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) tạm dừng hoạt động vì không có đơn hàng. Trong 15 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoa Lợi có tổng số hơn 110.000 công nhân (chiếm 66% số lao động làm việc trong 36 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa), nhiều tháng qua do số đơn hàng giảm khoảng 50% nên không tổ chức tăng ca, khiến thu nhập của công nhân giảm từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều lao động bị giảm, mất việc làm ngày cận Tết
Để tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động, không để xảy ra các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn. Các đơn vị, địa phương tập trung nắm chắc tình hình hoạt động, việc cắt giảm, cho thôi việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may, giày da; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp.
Tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, tạo điều kiện cho người lao động sớm tìm được việc làm mới. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp, giải pháp khắc phục tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp. Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp Công đoàn theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động, nhất là các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác của người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023.