Giới chức Indonesia xác nhận đã tìm thấy vị trí hai hộp đen của chiếc Boeing 737-500 xấu số. Việc trục vớt được tiến hành nhằm nhanh chóng giải mã nguyên nhân dẫn đến việc chiếc máy bay lao xuống biển.
Hộp đen nằm ở độ sâu 23m so với mặt nước biển
Chiều 10/1, tờ Jakarta Post dẫn lời giới chức Indonesia thông báo đã xác định được vị trí hai hộp đen trên chiếc Boeing 737-500 mang số hiệu SJ182 rơi xuống biển Java, ngoài khơi thủ đô Jakarta hôm 9/1.
Theo Jakarta Post, hộp đen nằm ở độ sâu 23m so với mặt nước biển. Việc trục vớt cũng đã được tiến hành nhằm nhanh chóng giải mã điều gì đã khiến chiếc máy bay lao xuống biển, tờ báo cho biết.
Ông Soerjanto Tjahjono, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia chia sẻ: “Hi vọng chúng tôi sẽ trục vớt thành công càng sớm càng tốt”.
Theo Jakarta Post, Cơ quan đánh giá và ứng dụng công nghệ (BPPT) Indonesia sẽ triển khai tàu nghiên cứu Baruna Jaya IV để xác định vị trí hộp đen máy bay gặp nạn.
Được biết, Baruna Jaya IV là một loại tàu đặc chủng, thường được sử dụng cho mục đích khảo sát nhưng cũng có thể phát hiện các tín hiệu đặc biệt như tín hiệu hộp đen máy bay. Con tàu này từng tham gia việc tìm kiếm máy bay Boeing-737 MAX mang số hiệu JT610 của Hãng Lion Air của Indonesia hồi năm 2018 và nhiều vụ tai nạn máy bay khác.
Lý do có thể khiến Boeing 737-500 gặp nạn
Giám đốc Cơ quan Tư vấn và Phân tích Quốc tế "An toàn Chuyến bay" Sergei Melnichenko đã chia sẻ với tờ Rossiyskaya Gazeta những yếu tố có thể dẫn đến vụ tai nạn của hãng hàng không Sriwijaya Air.
Sergei Melnichenko lưu ý rằng tại thời điểm xảy ra thảm họa, điều kiện thời tiết rất phức tạp: trời mưa như trút nước và có thể quan sát thấy giông bão mạnh khi rời Jakarta. Ông Melnichenko cho biết, theo cổng thông tin Flightradar, máy bay bắt đầu hạ độ cao ngay sau khi lên tới độ cao 3.230 mét.
“Đồng thời, tốc độ theo phương thẳng đứng là 26.300 feet / phút (133m/giây),” ông nói thêm.
Ông Melnichenko nhắc lại rằng, vào thời điểm máy bay gặp nạn, ngư dân địa phương nghe thấy tiếng nổ lớn và họ đã báo với cảnh sát địa phương. Theo chuyên gia này, vẫn rất khó để đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi, điều gì đã xảy ra trên máy bay đúng vào thời điểm thảm kịch.
Thân nhân của các hành khách trên chiếc Sriwijaya Air SJY182 mất tích đang chờ tin tức tại sân bay Supadio ở Pontianak, Indonesia
Chuyên gia cũng chắc chắn rằng, nếu hộp đen ghi lại hành trình chuyến bay không bị hỏng thì việc xác định nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn không phải là vấn đề khó khăn.
Như tin đã đưa trước đó, chiếc máy bay mang số hiệu 182 của hãng hàng không Sriwijaya Air (Indonesia), chở 62 người, đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu vài phút sau khi cất cánh từ sân bay Soekarno-Hatta Airport, với điểm đến là sân bay Pontianak ở Tây Java.
Dữ liệu của ứng dụng theo dõi các chuyến bay FlightRadar24 cho biết máy bay này thuộc dòng Boeing 737-500. Máy bay có được cho là có tuổi đời 24 năm.
Ông Agus Haryono, một quan chức cơ quan cứu hộ của Indonesia, cho biết hiện hơn 50 người đã được triển khai tham gia chiến dịch cứu hộ máy bay gặp nạn. Hoạt động tìm kiếm cứu hộ sẽ kéo dài cả đêm mùng 9, rạng sáng 10/1.
Theo Reuters, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một số thi thể và mảnh vỡ kim loại được cho là những gì còn sót lại của máy bay Boeing 737-500 của Sriwijaya Air. Nhà chức trách đã đề nghị người thân của 62 nạn nhân cung cấp thông tin nhận dạng và các mẫu phẩm hỗ trợ việc xác định bằng ADN.
Sriwijaya Air được thành lập năm 2003, có trụ sở tại Jakarta, chủ yếu thực hiện các chuyến bay nội địa. Hãng được đánh giá là hãng hàng không an toàn tại Indonesia.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay Boeing 737 gặp thảm họa hàng không tại Indonesia. Tháng 10/2018, chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Lion Air đã rơi xuống biển Java (Indonesia) sau khi cất cánh từ Jakarta, khiến toàn bộ 189 người thiệt mạng.
Năm 2014, chuyến bay 8501 của hãng hàng không AirAsia (Indonesia) cũng đã rơi xuống biển Java khi đang bay từ Surabaya tới Singapore, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 162 người trên máy bay.
Năm 2007, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm tất cả 51 hãng hàng không Indonesia ra khỏi không phận của mình sau khi một máy bay Garuda Indonesia chở theo 140 người lao vào đường băng ở Yogyakarta vào tháng 3, bốc cháy khiến 21 người trên máy bay thiệt mạng.