Chiều 28/5, tại Trung tâm Hội nghị TP. Hải Phòng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức Diễn đàn logistics lần thứ V chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng”.
Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, VCCI; lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Thái Bình; đại diện các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các diễn giả, tổ chức, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ…
Diễn đàn logistics Vùng lần thứ V nhằm đưa ra những đánh giá độc lập, đa chiều về định hướng phát triển logistics của Vùng đồng bằng sông Hồng nói chung cũng như TP. Hải Phòng nói riêng.
Đồng thời nhận diện những điểm nghẽn, nhận định xu hướng chuyển đổi số logistics từ các bài học quốc tế kết hợp thực tiễn phù hợp điều kiện của vùng.
Diễn đàn cũng đề cập và phân tích các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy thực thi chuyển đổi số ngành logistics; từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics theo hướng liên kết vùng, tận dụng lợi thể, cơ hội phát triển xứng tầm với tiềm năng…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, khẳng định: Đây là sự kiện kinh tế quan trọng đã được tổ chức qua 4 lần tại các Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Đông Nam Bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Diễn đàn đã khẳng định được uy tín, tạo sức hút lớn với các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế từ các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp logistics, xuất nhập khẩu,…
Thông qua diễn đàn sẽ tìm kiếm được thêm nhiều giải pháp để chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp logicstics sớm thành công và hiện thực hóa Nghị quyết số 749/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030 với định hướng đến năm 2030.
Theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa công bố tháng 5/2024 đã xác định, Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững.
Trong đó, Hải Phòng là địa phương có vị thế đặc biệt quan trọng trong Vùng với hơn 1.000 doanh nghiệp logistics. Chuyển đổi số logistics không chỉ tạo ra sự phát triển cho lĩnh vực này tại Hải Phòng, mà còn là động lực, là sợi dây liên kết kéo theo sự phát triển ngành logistics và kinh tế của cả Vùng.
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị cũng đã xác định đến năm 2025, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia và đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, cho biết: Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Hải Phòng có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, với 5 loại hình giao thông (đường biển, bộ, đường sắt, hàng không, thủy nội địa) thuận lợi kết nối liên tỉnh, liên vùng và đi các nước trên thế giới. Hải Phòng có vị trí trọng yếu trong vùng Duyên hải Bắc Bộ, giao điểm của 2 hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến hành lang ven biển phía Bắc; là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc;…
Hải Phòng cũng xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng góp vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đến nay, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển logistics và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tham gia thảo luận tại diễn đàn, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng đã đề xuất xây dựng 3 Đề án chuyển đổi số gồm: Tạo lập cơ sở dữ liệu ngành logictics; Sàn giao dịch trực tuyến logictics và Chuyển đổi số liên ngành logictics.
Các đề án nhằm kết nối các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, cũng như cung cấp hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan của Việt Nam và quốc tế. Các đề án trên sẽ là bước đầu để chia sẻ dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu, cần sự đồng chia sẻ thông tin, dữ liệu từ các doanh nghiệp khi tham gia vào cơ sở dữ liệu chung của ngành, sàn giao dịch trực tuyến thì mới có thể chia sẻ được cùng với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.