Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023.
Theo Bộ KH&ĐT, các giải pháp đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; nâng thời hạn visa điện tử cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực. Do đó, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì và ngày càng rõ nét trong nhiều ngành và lĩnh vực.
Gần 160.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Bộ KH&ĐT thông tin, Quý I/2023 tuy có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022 (33.191 doanh nghiệp).
Trong các quý tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng, luôn ở mức trên 40 nghìn doanh nghiệp, là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay. Quý IV/2023 có 42.952 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 (159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn doanh nghiệp. “Con số này thực sự ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023”, theo Bộ KH&ĐT.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các Quý của năm 2023: 310.331 tỷ đồng trong Quý I; 397.126 tỷ đồng trong Quý II; 379.319 tỷ đồng trong Quý III và Quý IV đã tăng lên mức 434.483 tỷ đồng.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Theo nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thì áp lực dòng tiền tiếp tục nổi lên là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn có đặc trưng là vốn chủ sở hữu mỏng, các hoạt động dựa nhiều trên vốn vay. Do đó, khi huy động vốn gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ngay lập tức.
Trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của doanh nghiệp. “Thực tế cho thấy, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 không chỉ giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022 mà còn là mức thấp nhất trong giai đoạn 2018-2023”, theo Bộ KH&ĐT.
Cũng theo Bộ này, số vốn bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2023 chỉ đạt 9,55 tỷ đồng, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp tương ứng năm 2022, 2021 và 2020 lần lượt là 10,71 tỷ đồng, 13,79 tỷ đồng và 16,57 tỷ đồng. Nếu so sánh cùng kỳ năm 2021 và 2020 thì năm 2023 tỷ lệ giảm tương ứng là 30,7% và 42,4%.
Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất (04 lần năm 2023), tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong hai tháng cuối năm 2023 lần lượt là 10,77 tỷ đồng (tháng 11) và 11,7 tỷ đồng (tháng 12), đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2022, quay trở lại mốc trên 10 tỷ đồng/doanh nghiệp. "Điều này phần nào cho thấy hiệu quả bước đầu từ các chính sách của Chính phủ giúp doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn cũng thể hiện niềm tin của doanh nghiệp khi quyết định bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh", Bộ KH&ĐT đánh giá.
Khó khăn của doanh nghiệp còn được phản ánh qua sự gia tăng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023 với khoảng 172,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022, cao nhất kể từ năm 2017 tới nay, so sánh với cùng kỳ năm 2021 và 2020 thì mức tăng lần lượt là 44,0% và 69,7%, gấp 1,7 lần với mức bình quân giai đoạn 2017-2022.
Mặc dù vậy, theo Bộ KH&ĐT, phần lớn trong số này là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,6%). Chỉ có khoảng 10% (18 nghìn doanh nghiệp) thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc giải thể được các doanh nghiệp phản ánh là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả, doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng; do thị trường có nhiều biến động, cơ cấu tổ chức công ty không kịp thích ứng; công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn kinh doanh, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, đối tác và khách hàng; chi phí kinh doanh cao; khó khăn về mặt bằng để triển khai hoạt động kinh doanh.