“Điểm sáng” của bức tranh kinh tế Việt Nam trong trạng thái “bình thường mới”

Trang Nhi - Kim Truyền| 06/10/2021 08:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn nhiều phức tạp, nền kinh tế Việt Nam vẫn vươn lên, đạt nhiều kết quả khả quan. Đây là thành quả và nền tảng quan trọng để cả nước vượt qua khó khăn, từng bước “bình thường mới” cuộc sống và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường trong năm 2022.

Những “điểm sáng” trong tăng trưởng kinh tế

Theo đánh giá của CTCP Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong duy trì và phát triển kinh tế là tính ổn định của kinh tế vĩ mô. Điều này vẫn được Chính phủ giữ vững bất chấp ảnh hưởng của dịch.

Tăng trưởng kinh tế hết sức quan trọng nhưng ổn định kinh tế vĩ mô còn quan trọng hơn. Nếu kinh tế vĩ mô không ổn định, các kênh đầu tư sẽ “lao đao”. Nếu xét về khía cạnh này, các chỉ tiêu quan trọng của kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn đang giữ ở mức tốt, bất chấp tác động của đại dịch.

Điểm sáng đầu tiên chính là yếu tố lạm phát. Mặc dù các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá dầu tăng mạnh, CPI chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước - mức thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát lõi chỉ tăng dưới 1%. Nhưng nhìn từ vị thế kinh tế, dòng vốn FDI là một trong những chỉ báo quan trọng. Gần đây, thị trường xôn xao trước những thông tin cho rằng, việc các doanh nghiệp FDI có thể rời khỏi Việt Nam, song số liệu cho thấy dòng vốn này vẫn giữ ở mức ổn định. Việt Nam vẫn đứng trong nhóm các nước thu hút FDI tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu 9 tháng đầu năm với FDI cũng đã tăng trở lại so với cùng kỳ, sau 3 tháng liên tiếp giảm.

1(2).jpeg

Khả năng phục hồi sau đợt dịch này cao hơn do sự thay đổi trong định hướng từ "zero COVID" sang "sống chung với COVID" của Chính phủ.

Với tỷ giá, COVID-19 làm cho xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng, thâm hụt cán cân thương mại. Nhưng với dự trữ ngoại hối ở mức cao, tiền đồng vẫn giữ ổn định, thậm chí tăng giá so với đồng bạc xanh.

Một điểm sáng khác so với những lần bùng phát trước là khả năng phục hồi sau đợt dịch này cao hơn, dù mức giảm mạnh hơn, do sự thay đổi trong định hướng từ "zero COVID" sang "sống chung với COVID". Ảnh hưởng của đợt bùng phát COVID-19 thứ tư khiến ngành sản xuất và dịch vụ giảm rất sâu so với những lần bùng phát trước. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sẽ nhanh hơn nhờ việc thay đổi chiến lược chống dịch.

Theo tính toán của nhóm phân tích, ngành sản xuất có thể giảm 30% so với trước khi COVID-19 bùng phát lần thứ tư, còn khu vực dịch vụ có thể giảm tới 50%. Con số này gấp nhiều lần so với mức độ ảnh hưởng trong đợt bùng phát dịch đầu năm 2020. Tuy nhiên, cả hai khu vực này sẽ phục hồi nhanh hơn so với đợt bùng phát đầu tiên, nhờ việc thay đổi chiến lược chống dịch và đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Trong đó, ngành sản xuất có thể vượt thời điểm trước bùng phát dịch vào quý I, còn khu vực dịch vụ sẽ trở lại vào cuối quý I, đầu quý II/2022.

Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cũng đánh giá, việc thay đổi mô hình phù hợp với tình hình thực tế sẽ là điểm then chốt cho giai đoạn cuối năm. “Mục tiêu kép” và an sinh xã hội trong bối cảnh mới với mức tăng trưởng như vậy vẫn có thể đạt được nếu chúng ta điều chỉnh phương thức, chiến lược phòng chống dịch phù hợp hơn. Tiềm lực và sức bật, nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, rất lớn.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,5% nếu quý IV tăng 5,3%, mức tăng cao hơn quý I và thấp hơn quý II. Ở trường hợp tích cực hơn, nếu GDP quý IV tăng 7,1%, tăng trưởng cả năm có thể đạt ngưỡng 3%, con số cao hơn năm trước. Khả năng này có thể đạt được nhưng Tổng cục Thống kê thừa nhận "sẽ rất thách thức".

Hỗ trợ là cần thiết nhưng phải giữ được cân đối ngân sách

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần tiếp tục những giải pháp cơ bản để nền kinh tế thị trường được lưu thông, thông suốt, nhất là trong trạng thái “bình thường mới”.

Thứ nhất, để bảo đảm lưu thông hàng hóa, tức là lưu thông các nguồn lực vật thể, bảo đảm “lương thực” cho cơ thể kinh tế, phải bảo đảm sự thông suốt quốc gia, phải có chế tài nghiêm khắc đối với những địa phương và cá nhân cản trở mạch lưu thông chung, cố tình trì hoãn, hoặc hiểu không đúng, hiểu lệch lạc quy định của Chính phủ, có tư tưởng “an toàn địa phương cục bộ” quá đà.

Thứ hai, những chính sách, biện pháp giúp DN giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính - miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất, nợ ... mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng đã áp dụng khá hiệu quả cho nên tiếp tục duy trì; thậm chí, cần kéo dài thời gian và tăng mức độ hỗ trợ.

Ưu đãi, hỗ trợ DN là cần, song phải giữ được cân đối ngân sách, không được gây tổn hại quá mức đến sức mạnh ngân sách. Bộ Tài chính phải tính toán được cân đối này để có giải pháp phù hợp cho Chính phủ.

2(1).jpeg

Việc thay đổi mô hình phù hợp với tình hình thực tế sẽ là điểm then chốt cho giai đoạn cuối năm.

Tương tự, về mặt lãi suất, hệ thống ngân hàng cũng xác định rõ giới hạn của cái gọi là “hạ lãi suất” để hỗ trợ DN. Hạ bao nhiêu để không đổ gánh nặng rủi ro lên hệ thống ngân hàng là điều phải tuyệt đối cân nhắc. Phải tính đến việc lập Quỹ Hỗ trợ lãi suất và Quỹ bảo lãnh tín dụng để phối hợp với hệ thống ngân hàng hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.

Thời điểm hiện nay rất cần lãnh đạo các địa phương đối thoại, họp bàn với các DN, Hiệp hội doanh nghiệp để tìm ra vấn đề, các giải pháp thiết yếu không chỉ cho sự phát triển của địa phương mà còn cho cả đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Điểm sáng” của bức tranh kinh tế Việt Nam trong trạng thái “bình thường mới”