Sử dụng chất độc là cách giết người kín đáo nhất và là một trong những cách đáng sợ nhất để chết. Chết do chất độc cũng là cái chết kinh hoàng với bất kì ai chứng kiến, nhất là khi họ biết những gì đang xảy ra bên trong cơ thể của nạn nhân.
Độc chất đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ, trên thế giới của chúng ta hiện nay có vô vàn các loại chất độc khác nhau. Có thể là chất độc hóa học do con người chế tạo ra hoặc tổn tại trong tự nhiên và là vũ khí của một loài nào đó… Thực sự là hiện tại chúng ta cũng không hoàn toàn nắm rõ được 100% các loại độc (đối với con người) trên thế giới này. Và dưới đây là 4 loại độc, chúng là những chất được coi là độc nhất trên thế giới hiện nay mà bạn cần biết.
Xyanua
Xyanua (hay còn gọi là cyanide), là một chất kịch độc, gây chết người với liều lượng thấp
Xyanua (hay còn gọi là cyanide), là một chất kịch độc, gây chết người với liều lượng thấp. Chỉ cần ăn nhầm từ 1,5 mg chất này thì một người khỏe mạnh có thể mất ý thức trong vòng 30 giây đến 2 phút. Sau khoảng 1 tiếng thì rơi vào trạng thái hôn mê và có thể tử vong sau khoảng 3 giờ nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời.
Xyanua là một chất ức chế enzym, nó gắn với chất sắt trong các tế bào hồng cầu chịu trách nhiệm vận chuyển oxy. Hiểu một cách đơn giản là nó làm tế bào máu “ngạt thở”, và ngăn không cho hemoglobin gắn với oxy. Hậu quả là quá trình hô hấp thiếu khí của cơ thể bị phá vỡ, khiến cơ thể bị “đói” oxy. Lúc đó, các cơ quan quan trọng như não và tim sẽ chết sau một thời gian ngắn.
Thực ra, cyanide là tên để chỉ bất kỳ chất hóa học nào có chứa một liên kết cacbon-nitơ. Không phải tất cả những chất này đều gây chết người, nhưng natri xyanua, kali xyanua, và hydrogen xyanua thì có. Trong đó, Hydrogen xyanua là loại phổ biến nhất và nguy hiểm nhất. Đây là chất mà phát xít Đức sử dụng trong các phòng hơi ngạt ở những trại tập trung tử thần.
Thạch tín (asen)
Asen là đối thủ không thua kém cyanide cả về độc tính lẫn độ nham hiểm. Chất này có thể vô tình đi vào hệ tiêu hóa qua những con đường như phơi nhiễm nghề nghiệp, nước ngầm, hoặc thậm chí cả gạo. Liều nhỏ thạch tín có thể gây đau đầu, buồn ngủ, tiêu chảy, và lú lẫn, nhưng liều lớn có chủ đích sẽ có sức tàn phá hơn nhiều.
Giống như xyanua, thạch tín phá vỡ tế bào ở mức độ phân tử. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng đến oxy. Thay vào đó, nó đóng giả làm phosphat, nhắm đến phản ứng cho phép tế bào dự trữ năng lượng. Bằng cách thay thế chất vô cùng cần thiết này, asen ngăn chặn quá trình sản xuất năng lượng và việc truyền tín hiệu của tế bào, khiến tế bào không thể thực hiện các quá trình cơ bản sống còn của mình.
Chết do trúng độc thạch tín đặc biệt khủng khiếp, vì chất độc phá hủy đồng thời nhiều chức năng cơ thể một lúc. Người nhiễm thạch tín thường có những biểu hiện triệu chứng khác nhau như nôn ra máu, co giật, đau bụng, và chuột rút.
Mã tiền (Strychnine)
Là 1 chất bột màu trắng không mùi, mã tiền là loại thuốc trừ sâu và thuốc diệt chuột phổ biến, chất độc này có thể gây ra cái chết vật vã và vô nhân đạo. Strychnine gây chết thông qua việc ngăn chặn hoạt động của một chất dẫn truyền thần kinh ở tủy sống và não thường chịu trách nhiệm điều hòa các dây thần kinh vận động.
Nếu không có nút tắt này, các nơron vận động sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và nạn nhân sẽ bị co cứng và co thắt cơ bắp đầy đau đớn. Những cơn co giật có thể dẫn đến sốt cao, kiệt sức, và thiếu ôxy cuối cùng dẫn đến ngạt thở.
Nhiều vụ giết người trong suốt lịch sử đã được quy cho thứ chất độc khó phát hiện này. Và Strychnin còn có mặt trong một số loại ma túy đường phố.
Cà độc dược (belladon)
Với độc tính chết người của mình, chỉ một vài quả là đủ giết chết một người trưởng thành
Cà độc dược (Atropa belladonna) nhận được vô số những biệt danh đáng sợ như, “Bóng đêm chết chóc”, “trái cây tử thần”, “loại quả của ma quỷ”. Với độc tính chết người của mình, chỉ một vài quả là đủ giết chết một người trưởng thành.
Người La Mã cổ đại ưa chuộng loại quả độc này để làm thành những mũi tên tẩm độc, và phụ nữ (khá là sai lầm) sử dụng nước của nó để làm đồng tử mắt giãn to, với mong muốn mang lại một vẻ quyến rũ “chết người”. Chính điều này đã mang lại cho cà độc dược tên gọi mà theo tiếng la tinh có nghĩa là "quý bà xinh đẹp".
Cà độc dược chứa nhiều alkaloid tropane, một số trong đó có khả năng ngăn chặn các chất dẫn truyền thần kinh trong hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên. Bằng cách này, nó sẽ làm gián đoạn nhịp tim, nhịp thở, ra mồ hôi, và vận động không tự chủ của cơ trơn ở đường tiêu hóa.
Người bị ngộ độc belladon có thể biểu hiện mất thăng bằng, sợ ánh sáng, nói ngọng, ảo giác, và lú lẫn. Do tác động tâm thần, cà độc dược và những loại cây cùng họ đã được sử dụng như một loại ma túy - một lựa chọn rất nguy hiểm do nguy cơ quá liều và tử vong đặc biệt cao.