Năm 2022, điểm chuẩn đại học nhiều ngành gần chạm ngưỡng tuyệt đối 29,95, nhiều ngành ‘đụng trần’ được đưa ra. Thí sinh phải đạt tới hơn 9,5 điểm mới đỗ, thậm chí có ngành 9,9 điểm/môn vẫn trượt. Điều này nên vui hay buồn?
Năm nay, khối ngành khoa học xã hội nhân văn năm nay có điểm chuẩn rất cao. Đơn cử như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, 3 ngành Đông phương học, Quan hệ công chúng và Hàn Quốc học ở tổ hợp xét tuyển khối C00 có mức điểm chuẩn cao nhất, lên tới 29,95 điểm.
Tiếp đến là ngành Báo chí khối C00 với điểm chuẩn 29,9. Các ngành xét tuyển tổ hợp C00 khác của nhà trường, điểm chuẩn ở mức từ 25,5 đến 29 điểm.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho biết, nhà trường không bất ngờ khi mức điểm chuẩn của các ngành này tăng cao hơn so với năm trước và gần tiệm cận với mức điểm tuyệt đối. Các ngành như Quan hệ công chúng, Đông Phương học, Hàn Quốc học; Khoa học quản lý có trên dưới 2.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển đẩy tỷ lệ chọi lên rất cao. Tính riêng ngành Báo chí, tỷ lệ chọi là 1/500 bởi trung bình tổ hợp C00 lấy 5 em trong khi có tới trên 2.500 nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Tương tự, Học viện Báo chí và Tuyên truyền công bố điểm chuẩn, xét trên thang điểm 30, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là Truyền thông Đa phương tiện, ở tổ hợp C15 với 29,25 điểm.
Với nhóm ngành xét theo thang điểm 40, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất gồm: Báo chí, chuyên ngành báo truyền hình (37,19 điểm ở tổ hợp D78, R26); Báo chí, chuyên ngành Báo mạng điện tử (36,5 điểm ở tổ hợp D78, R26), Truyền thông quốc tế (36,99 điểm ở tổ hợp D78, R26); Quan hệ công chúng, chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp (37,6 điểm ở khối D78, R26);...
Đặc biệt, ngành Lịch sử năm nay có điểm chuẩn cao thuộc top đầu trong các ngành Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh, với 37,5 điểm ở khối C00; 37,5 điểm ở khối C19.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích, trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh đề thi tốt nghiệp THPT để tránh mưa điểm 10, do đó sẽ khó có chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học. Tuy nhiên, nhìn vào những con số thống kê cụ thể, có thể thấy điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn cao.
Theo đó, với môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên đạt 42,28%, trong khi tỷ lệ này năm ngoái là 41,7%. Môn Lịch sử, năm 2021, số điểm 8 trở lên là 5,44%, thì năm nay tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 18,1%. Do đó, tổ hợp xét tuyển có cả môn Văn và Sử sẽ có điểm rất cao.
Điều này lý giải điểm chuẩn của nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt là điểm khối C ở nhiều trường tăng mạnh.
Đâu đó đã xuất hiện hiện tượng "lạm phát" điểm chuẩn - một số trường vì muốn điểm tuyển sinh vươn lên phục vụ công tác truyền thông đã đặt điểm chuẩn rất cao.
Dẫn tới nhiều trường hợp thí sinh đạt tới hơn 9,5 điểm mới đỗ, thậm chí có ngành 9,9 điểm/môn vẫn trượt. Và rõ ràng người thiệt thòi sẽ là chính các em thí sinh đã lỡ đặt niềm tin vào các trường đó.
Điểm chuẩn thể hiện sự quan tâm và đánh giá của người học về chất lượng đào tạo của một cơ sở giáo dục, tuy nhiên, nếu điểm chuẩn chưa đáp ứng đủ những thực tiễn hay mục đích đào tạo thì là một điều đáng phải lưu ý.
Cần phải nhìn nhận một thực tế, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc, nhưng rõ ràng các trường, đặc biệt các trường top trên sẽ dần dần hạn chế sử dụng điểm của kỳ thi này trong xét tuyển, vì ý nghĩa thi tốt nghiệp đã làm giảm tính phân loại năng lực thí sinh.
Chính vì vậy, có lẽ các bậc phụ huynh ngay từ bây giờ nên điều chỉnh mục tiêu học tập và ôn thi cho con em mình, trong đó quan trọng nhất là chú trọng học thực chất ở tất cả các cấp học, và trong điều kiện có thể cũng cần chú trọng tới các chứng chỉ quốc tế, như SAT, ACT, và đặc biệt IELTS, TOEFL.
Sự nhận thức đầy đủ về cơ hội, và sự chuẩn bị chu đáo sẽ đem lại lợi thế cho mỗi thí sinh trước ngưỡng cửa đại học.