Sáng 2/8, Bộ Y tế phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức họp giao ban với Giám đốc Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cuộc họp với Giám đốc các Sở Y tế do lãnh đạo Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đồng chủ trì diễn ra ngay sau hội nghị với 700 điểm cầu về nâng cao năng lực chuyên môn điều trị Covid-19 cho các cơ sở y tế, đã cho thấy quyết tâm của Bộ Y tế trong mục tiêu sớm kiểm soát dịch Covid-19 đang “nóng” ở Đà Nẵng và tái xuất hiện tại ở một số địa phương khác.
Đây là hoạt động định kỳ, sẽ tiến hành 3 lần/tuần để tăng cường các biện pháp ứng phó, phòng dịch Covid-19.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp trực tuyến với Giám đốc Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc ngày 2/8.
Tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Ngày 1/8, số lượng xét nghiệm Covid-19 đã cao hơn cả thời gian cao điểm nhất trong tháng 4/2020.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa. Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải tiến hành tập huấn ngay cho các cơ sở y tế trên địa bàn về cách thức lấy mẫu, cách phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế và các cơ sở khác.
"Phải huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Để ứng phó nhanh nhất tình hình dịch ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã “tung” lực lượng rất lớn chưa từng có trong tiền lệ. Ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế cử những đoàn tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm... vào Đà Nẵng.
Đồng thời Bộ chỉ đạo các bệnh viện cử liên tục cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM, Đại học Y Hà Nội... tăng cường cho Đà Nẵng, Quảng Nam.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm Covid-19.
Ông Nguyễn Thanh Long đề nghị tất cả các cơ sở y tế (công lập, tư nhân) có ký hợp đồng với BHXH thực hiện được xét nghiệm Covid-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Nếu không có máy móc, năng lực để xét nghiệm, cơ sở có thể lấy mẫu gửi đến các đơn vị có thể thực hiện được. Không được để xảy ra tình trạng người dân đi đến nhiều cơ sở y tế mà không được xét nghiệm.
Đề nghị các địa phương triển khai ngay tất cả các biện pháp chống dịch dù trên địa bàn chưa có ca nhiễm Covid-19, chuẩn bị kỹ lưỡng, không để bị luống cuống, đối phó một cách nhanh nhất.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng, tăng tốc xét nghiệm là chiến lực cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay để phát hiện sớm các ca bệnh. Nhất là các ca bệnh hiện phát hiện chủ yếu trong bệnh viện, nên nếu không phát hiện sớm sẽ phải cách ly toàn bộ bệnh viện.
Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, BHXH đang tích cực đồng hành cùng Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Việc tăng tốc xét nghiệm chính là mục tiêu để kiểm soát tình hình dịch Covid-19, từ đó có giải pháp sớm khống chế dịch.
BHXH Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện cho các cơ sở y tế với các thủ tục thanh toán thuận lợi. Các cơ sở có thể sử dụng tất cả các hình thức đấu thầu trong luật, kể cả chỉ định thầu vì là tình trạng khẩn cấp, nhưng vẫn phải tuân thủ quy định của BHYT.
Tính đến sáng 2/8 đã có khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua (tính từ 1/7 đến 29/7). Riêng với khu vực 3 bệnh viện (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng) có tới 800.000 lượt người đến đây. Để ứng phó một cách nhanh nhất tình hình dịch ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử một lực lượng rất lớn các chuyên gia hàng đầu - đây là việc chưa từng có trong tiền lệ. |