Ngày 21/3, tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè năm 2018.
Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sốt xuất huyết liên tục gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất và là vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu. Hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Năm 2017, số mắc/100.000 dân tại nhiều nước khu vực châu Mỹ và Đông Nam Á ở mức rất cao như: Peru (195), Nicaragua (199), Argentina (121), Brazil (171), Ecuador (49), Malaysia (141), Philippines (33), Lào (30), Singapore (20).
Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết đã giảm trong những năm gần đây, có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực, tuy vậy hàng năm ghi nhận trung bình 50.000 - 100.000 trường hợp mắc, 50 -100 trường hợp tử vong
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Dũng
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm 2018, tình hình dịch bệnh tiếp tục có các diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm phát sinh, tiếp tục gia tăng tại nhiều nước trên thế giới xâm nhập vào nước ta như: Bệnh Ebola, cúm A (H7N9), bệnh MERS-CoV... Bên cạnh đó, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh vẫn còn khó khăn, thách thức như: Khó khăn tiếp cận trong hoạt động tiêm chủng phòng bệnh, giám sát dịch bệnh tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa; kinh phí đầu tư cho phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn cả Trung ương và địa phương và chưa được cấp kịp thời.
Để tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh, trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị cần tập trung triển khai một số giải pháp như nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ ban ngành đoàn thể. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng và thực hành các biện pháp vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng, xử lý kịp thời, hiệu quả. Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường. Sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.Tập huấn nâng cao năng lực các tuyến về giám sát, đáp ứng, điều trị. Đồng thời đảm bảo hậu cần cho công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.... Đặc biệt, khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.