Ngôi nhà cổ đồng thời là di tích cấp tỉnh của ông Lê Đồng Xu ở xóm 13, xã Tân Ninh (Triệu Sơn, Thanh Hóa) bị xuống cấp. Đã nhiều năm gia đình, chính quyền cấp cơ sở liên tục làm văn bản, tờ trình xin cấp kinh phí chống xuống cấp nhưng không có hồi âm.
Đến khi nhà bị bán thì các cơ quan chức năng mới tá hỏa vào cuộc.
Sau một thời gian ngăn chặn việc mua bán, giữ di tích lại để phục dựng nhưng cuối cùng, tỉnh Thanh Hóa cũng đành ra quyết định thu hồi quyết định công nhận di tích. Sự việc tưởng đã hạ hồi nhưng sau khi “cởi áo di tích”, ngôi nhà trên lại được trả giá trên trời! Điều này không khỏi khiến dư luận băn khoăn về giá trị thực của ngôi nhà.
Nhà cổ của gia đình ông Xu trước khi được bán
Trước khi ngôi nhà bị bán, huyện Triệu Sơn cũng gửi công văn nhiều lần xin chống xuống cấp nhưng chờ mãi chẳng thấy, khi sự việc xảy ra đã báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý. Ngày 22-9-2011, Sở VHTT&DL Thanh Hoá có Báo cáo số 43 về việc di tích bị xâm phạm, yêu cầu chính quyền xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn vào cuộc một cách quyết liệt để giữ nguyên hiện trạng nhà cổ. Tiếp đó, ngày 28-9-2011, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND Thanh Hoá ký Công văn 6502 UBND-VX, yêu cầu UBND huyện Triệu Sơn phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan để triển khai bảo vệ khẩn cấp nhằm ngăn chặn không để các tổ chức, cá nhân vận chuyển, mua bán trái phép di tích nhà cổ gia đình ông Lê Đồng Xu; Thu hồi các hiện vật đã được bán, vận chuyển đi nơi khác; Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân vi phạm, xử lý theo thẩm quyền, đồng thời tuyên truyền, vận động và có biện pháp hỗ trợ gia đình ông Xu, bà Ái.
Đôi chó đá canh nhà cổ
Như đã thông tin trước đó, ngôi nhà cổ của dòng họ Lê Đồng được xây dựng đời vua Tự Đức (1875). Theo giới chuyên môn, đây là ngôi nhà cổ truyền thống điển hình ở đồng bằng châu thổ sông Mã. Qua điều tra khảo sát, họ nhận thấy, ngôi nhà cổ này có giá trị tiêu biểu của địa phương về kiến trúc nghệ thuật. Ngôi nhà kiến trúc bốn mái cung đình - tam gian tứ hạ (3 gian chính và 4 gian chái); được xây dựng theo kiểu cách giá chiêng – kẻ truyền với 54 cột: dài 16m, rộng 11m. Toàn bộ gỗ của ngôi nhà là loại gỗ quý như: Đinh hương núi, lim, mần lái. 4 bộ chồng giường (3 gian chính) và 2 vì thuận – nghịch (hiên), đều bằng các loại gỗ quý hiếm như: gỗ gụ, gỗ trắc… Các hiện vật kèm theo nhà cổ gồm: 6 thanh đá lân giai ốp thềm chống bão từ, màu xanh nhạt, (Mỗi thanh dài 3,14m, cao 20cm, rộng 62cm); Dải đá giọt lệ suốt chiều dài nhà; đôi rồng hóa đắp bằng bột đá vôi, cát, bọt mật mía, dài 1.2m, cao 40cm; 1 đôi nghê đá cao 55cm, 1 đôi rùa đá dài 45cm, rộng 35cm; 1 thống nước đục nguyên khối cao 60cm rộng 70cm, dài 1.1m... Ngoài ra các loại đá kê chân cột, tiền xu cổ trấn yểm trạch, gạch đốc chái, ngói xương cá.
Lãnh đạo Sở VHTT&DL Thanh Hoá đã bàn nhiều cách xử lý như đề nghị Bảo tàng tỉnh mua lại để trưng bày. Tuy nhiên Bảo tàng đang nằm trong diện quy hoạch lại nên không có khuôn viên. Sau đó, chuyển sang đề nghị huyện Triệu Sơn mua lại, song huyện cũng không có kinh phí. Về phía đối tượng mua, nếu có đủ chức năng bảo tồn nhà cổ, cũng sẽ được xem xét để cho di chuyển. Hiện nay ngôi nhà cổ đã bị tháo dỡ, để khôi phục xây dựng lại không phải là chuyện đơn giản nên khả năng phải thu hồi bằng di tích là rất lớn.
Một số gỗ đang được bảo quản, chờ phục dựng
Sau một thời gian dài loay hoay với việc đưa ra phương án giải quyết “di tích nhà”, ngày 25-6-2012, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định số 1945/QĐ-UBND: Thu hồi Quyết định số 43/QĐ-SVHTT ngày 17-1-2003 của Giám đốc Sở Văn hóa thông tin (nay là Sở VHTT-DL) về việc công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ của ông Lê Đồng Xu xã Tân Ninh, Triệu Sơn. Di tích đã không còn nên ngôi nhà trở về đúng chức năng vốn có là để ở. Việc mua bán cũng chẳng còn sợi dây pháp lý nào ngăn cản, ràng buộc. Bao nhiêu gỗ, rui, mèn, hoa văn, ngói, đá… được người mua đưa về Như Thanh để phục dựng. Với góc độ nhà quản lý thì sự việc chẳng còn gì đáng bàn.
Ngay khi đưa về Như Thanh, chủ nhân của nó đã quy hoạch một khu đất rộng mấy nghìn m2 để dựng lại ngôi nhà cổ này. Giá trị của ngôi nhà lúc này mới được nhìn nhận, đánh giá lại.
Đã có nhiều người từ Hải Phòng, Hà Nội, thậm chí là từ Quảng Nam, Tp. Hồ Chí Minh… lặn lội ra đi xem và hỏi mua với giá 4-5 tỷ đồng. Thiên hạ được phen mắt tròn, mắt dẹt không tin, cho rằng đây chỉ là trò “thổi giá”. Nhưng theo nguồn tin đáng tin cậy, một đại gia tên L. (người Hà Tĩnh đang sống ở Như Thanh) sẵn sàng chi gấp đôi số tiền trên để sở hữu nhà và toàn bộ khu đất mấy nghìn m2.
Thanh Phương