Di chuyển cây xăng dầu ra khỏi khu dân cư: Tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết

Thanh Phương| 30/10/2019 11:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý hoan nghênh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sau khi nhận được phản ánh. Tuy nhiên trong báo cáo của đoàn kiểm tra vẫn chưa minh bạch, có nhiều điểm chưa đúng với thực tế khách quan.

Báo cáo chưa đúng với thực tế

Ngày 3/10, Báo Công lý điện tử đăng bài: “Thanh Hóa: Người dân kêu cứu vì “bom nổ chậm” ngay khu dân cư”, phản ánh cây xăng dầu KM88 sập xệ, nhếch nhác nằm sát vách nhà dân ngay khu buôn bán sầm uất nhất của xã biên giới Na Mèo (Thanh Hóa). Nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì hậu quả khôn lường.

Di chuyển cây xăng dầu ra khỏi khu dân cư: Tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết

Cửa hàng xăng dầu KM88 xuống cấp

Ngày 23/10, Sở Công Thương Thanh Hóa có văn bản số 2394/SCT-QLTM gửi tới Báo Công lý. Theo Sở Công thương, trước thời điểm báo chí phản ánh, đơn vị đã nhận được đơn thư của người dân trú tại bản Na Mèo (xã Na Mèo, Quan Sơn) kêu cứu về việc cây xăng dầu KM88 của Công ty cổ phần Tập đoàn Miền núi thường xuyên để xảy ra sự cố rò rỉ xăng, dầu ra ngoài môi trường. Những ngày trời nắng mùi xăng dầu bốc lên nồng nặc khiến mọi người nôn nao, hoa mắt, chóng mặt.

“Đoàn công tác đã lắng nghe ý kiến của Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Núi báo cáo về sự việc. Đầu tháng 8/2019 trên địa bàn xảy ra lũ quét và sạt lở đã làm hư hỏng một số tài sản, đặc biệt là phần gia cố bên trên bể ngầm chứa xăng dầu, cùng với áp lực nước đã làm cho các téc chứa xăng dầu chôn ngầm nổi lên trên mặt đất. Sự cố trên đã làm một lượng xăng dầu trong téc rò rỉ ra ngoài. Công ty đã báo cáo chính quyền địa phương, đồng thời cử cán bộ chuyên môn tổ chức ứng phó sự cố, điều phương tiện hút hết xăng dầu còn lại trong téc, vớt váng dầu bị tràn ra ngoài, dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực cửa hàng và xung quanh. Qua kiểm tra, xác minh thực tế cho thấy nội dung phản ánh của báo chí về cửa hàng xăng dầu Na Mèo là đúng. Tuy nhiên, một số nội dung chưa phản ánh khách quan và thực tế về sự cố do thiên tai, mưa lũ gây ra".

Di chuyển cây xăng dầu ra khỏi khu dân cư: Tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết

Một phần báo cáo của Sở Công thương

Tuy nhiên điều đáng nói, đoàn công tác do Sở Công Thương dẫn đầu mới chỉ nghe báo cáo của công ty rồi đưa ra kết luận mà quên mất một thực tế không ai có thể chối cãi được, đó là téc xăng dầu chứa hàng chục khối, nặng cả chục tấn được vùi sâu dưới đất, bê tông thật khó có áp lực nào có thể cho nó nổi lên mặt đất. Chưa kể téc xăng dầu theo quy định phải được gia cố bằng các loại thép có khả năng chịu áp lực cao.

Vị trí cây xăng dầu 88 chỉ có thể bị đất đá vùi lấp thêm vào chứ không có chuyện sạt lở. Cả 3 phái đông, nam, tây của cây xăng đã giáp danh với nhà dân và công trình kiên cố của chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Núi. Phía bắc là giáp đường quốc lộ. Nếu téc xăng dầu tự nổi là lỗi do đơn vị chủ đầu tư thi công ẩu, không đúng theo thiết kế được phê duyệt. Việc đổ lỗi cho mưa lũ là không khách quan.

Theo người dân gần đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Núi đã phải thuê máy múc cỡ lớn mới có thể đào và nâng téc xăng dầu này lên trên mặt đất. Để xảy ra sự cố rò rỉ, tràn xăng dầu ra ngoài trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng là lỗi của chủ cửa hàng.

Không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được phép nâng cấp?!

Báo cáo nêu rõ: “Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra hồ sơ, đo đạc thực tế, khoảng cách từ tâm cột bơm tới tường nhà dân liền kề khoảng 6,3m; từ tâm cột bơm gần nhất về phía đông là tường cửa hàng tự chọn là 6,4m; khoảng cách cách mép hố đặt bể ngầm đến nhà nghỉ của công ty khoảng 4m, cách tường nhà dân liền kề khoảng 1m (không có tường bao kín).

Di chuyển cây xăng dầu ra khỏi khu dân cư: Tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết

Người dân lo lắng vì môi trường, nguồn nước bị  ảnh hưởng

Theo Khoản 3, Điều 6 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu (QCVN 01:2013/BCT) ban hành theo Thông tư 11/2013/TT-BCT ngày 18/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định như sau: “Cửa hàng xăng dầu tiếp giáp với công trình xây dựng khác phải có tường bao kín có chiều cao không nhỏ hơn 2,2m bằng vật liệu không cháy”; theo Khoản 4, Điều 8 và Khoản 3, Điều 9 QCVN 01:2013/ BCT quy định khoảng cách an toàn từ bể chứa xăng dầu và cột bơm đến công trình dân dụng và các công trình khác ngoài cửa hàng xăng dầu cấp 3 (dung tích bể chứa nhỏ hơn hoặc bằng 100 m3) là từ 5 đến 14m, tùy theo bậc chịu lửa- khoảng cách an toàn này được phép giảm 30% khi cửa hàng có lắp hệ thống thu hồi hơi xăng dầu.

Thực tế cho thấy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Núi chưa xây dựng tường rào tiếp giáp với công trình bên ngoài; khoảng cách từ mép bể chứa và tâm cột bơm đến chân công trình dân dụng chưa đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu".

Mặc dù thừa nhận cửa hàng xằng dầu KM88 không đảm bảo quy chuẩn nhưng Sở Công Thương vẫn đồng ý cho đơn vị này được phép nâng cấp, cải tạo khiến dư luận hoài nghi và người dân bức xúc.

Di chuyển cây xăng dầu ra khỏi khu dân cư: Tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết

Cây xăng dầu đã được đào xới ngổn ngang

Căn cứ để Sở Công Thương đưa ra là theo Quyết định số 2201/QĐ-UBND ngày 15/7/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng tới 2025, cửa hàng xăng dầu Na Mèo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Núi nằm trong danh mục phải nâng cấp, không nằm trong danh mục cửa hàng phải xóa bỏ, di dời.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, qua kiểm tra thực tế Sở Công Thương phải tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa bãi bỏ một số mục, chương, điều, thậm chí là cả quyết định khi trái với quy định của cấp trên, không còn phù hợp với thực tế. Ngày 15/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP trong đó bãi bỏ quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu.

Di chuyển cây xăng dầu ra khỏi khu dân cư: Tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết

Hố chôn téc ngay sát nhà dân được đào sâu hoắm

Cây xăng dầu trong khu dân cư luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Khi xảy ra sự cố thì ai phải là người chịu trách nhiệm? Một quyết định trái với các văn bản của cấp trên, không còn phù hợp với thực tế liệu có đảm bảo cho sức khỏe, tính mạng của người dân?

Thêm vào đó, hiện nay chủ cửa hàng đã đào xới tung hết mọi thứ lên mặt đất. Quá trình cải tạo, nâng cấp phải tốn một khoản kinh phí rất lớn. Tại sao các cơ quan chức năng không hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp này khảo sát, thuê một khu đất mới để xây dựng một cửa hàng xăng dầu khang trang, hiện đại, phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. Bài toán kinh tế lâu dài cần được đánh giá đúng mức, toàn diện, không nên “cố sống cố chết” trong vòng luẩn quẩn nâng cấp, cải tạo mà vẫn vi phạm các quy chuẩn quốc gia.

Thiết nghĩ, việc di dời cây xăng dầu ra khỏi khu dân cư là vô cùng bức thiết. Một chính quyền hành động, kiến tạo thì không chỉ tạo điều điện cho doanh nghiệp phát triển bền vững còn phải luôn đảm bảo sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân, môi trường trong lành phải được đặt lên trên hết. Việc di chuyển cây xăng dầu ra khỏi khu dân cư hiện tại cũng là để cho Na Mèo phát triển lên đô thị trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di chuyển cây xăng dầu ra khỏi khu dân cư: Tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết