Ngày 9/9/1969, tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, BCHTW Đảng Lao động Việt Nam đã công bố bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở tổng hợp bản Di chúc do Người viết năm 1965 và các bản chỉnh sửa, bổ sung vào các năm 1968 và 1969.
Bản di chúc là một tác phẩm “đặc biệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tài sản vô cùng quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, giá trị thực tiễn sâu sắc, không chỉ trong quá khứ mà cả trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh trong những giá trị thực tiễn của Di chúc trong thời kỳ đổi mới, đó là giá trị của vấn đề đoàn kết trong Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến “vài việc”, trong đó, trước hết chính là “nói về Đảng”. Khi nói về Đảng, đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vấn đề “đoàn kết” và đoàn kết trong Đảng được nhắc đến nhiều lần trong bản di chúc. Như vậy, có thể thấy rằng, vấn đề đoàn kết trong Đảng luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong những suy tư, trăn trở của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong Di chúc, vấn đề đoàn kết trong Đảng được Bác đề cập trên 3 phương diện: Thứ nhất, đoàn kết trong Đảng là một cơ sở của đoàn kết nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, là một cội nguồn làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thứ hai là đi qua sự nghiệp cách mạng trường kỳ, đoàn kết đã trở thành một truyền thống cực quý báu của Đảng và của dân ta. Chính vì thế, toàn thể đảng viên từ Trung ương đến các chi bộ đều có trách nhiệm phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Và cuối cùng là không chỉ cần được bảo vệ, gìn giữ, sự đoàn kết trong Đảng còn cần được không ngừng củng cố và phát triển. Cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào thực tiễn sự nghiệp cách mạng của dân tộc một cách mạnh mẽ, sâu sắc
Với 3 phương diện về giá trị, tầm quan trọng và thái độ, cách thức ứng xử cần có đối với sự đoàn kết trong Đảng như trên, có thể thấy rằng, vấn đề đoàn kết trong Đảng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện và sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng thể hiện trong Di chúc với tư cách là sự kết tinh tư tưởng của Người về vấn đề này, vốn được hình thành và phát triển suốt trong toàn bộ quá trình người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, thực sự là những chỉ dẫn lý luận có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Đại hội của đổi mới, diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước có rất nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Đổi mới để tồn tại và phát triển đã trở thành một đòi hỏi sống còn mà thực tiễn đặt ra cho Đảng. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội đã phân tích những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình khó khăn của đất nước, đồng thời cũng đã kiên quyết chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân chủ quan ấy thể hiện ở sáu sai lầm, khuyết điểm lớn của Đảng và Nhà nước mà Đại hội đã chỉ ra. Đại hội cũng đã rút ra bốn bài học kinh nghiệm, trong đó, bài học thứ tư là về xây dựng Đảng. Trong bài học này, Báo cáo chính trị tại Đại hội viết: “Trong Đảng, phải tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động, nêu cao tính tổ chức và tính kỷ luật, lời nói đi đôi với việc làm”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) của Đảng diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước bước đầu có những chuyển biến theo hướng tích cực; đường lối đổi mới đúng đắn bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, tình hình quốc tế thì lại có nhiều thách thức mới, khó khăn hơn, phức tạp hơn, trong đó, tác động tiêu cực nhất là sự khủng hoảng, tiến tới sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Trong bối cảnh như thế, để có đủ khả năng vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, sự đoàn kết trong Đảng trở thành một đòi hỏi mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (1991) đã thẳng thắn đánh giá: Bên cạnh những thành tựu, “công tác xây dựng Đảng chuyển biến chậm” và một trong những biểu hiện của thực trạng đó là “tệ cục bộ, địa phương, tình trạng mất đoàn kết đã xảy ra ở một số cơ quan lãnh đạo ngành và địa phương, ảnh hưởng xấu đến công tác lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Tác dụng lãnh đạo của không ít tổ chức đảng và đảng viên giảm sút”…
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (1996) vấn đề đoàn kết trong Đảng không được đề cập nhiều như trong Báo cáo chính trị tại Đại hội VI và Đại hội VII, chỉ được đề cập trong phần Xây dựng Đảng. Báo cáo chính trị chỉ rõ thực trạng: “Không ít nơi nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng”, và coi đây là một trong số những vấn đề lớn đang đặt ra trước Đảng.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (2011) trở lại quan tâm mạnh mẽ đến vấn đề đoàn kết trong Đảng. Số lượng các cụm từ “đoàn kết”, các quan điểm về đoàn kết trong Đảng xuất hiện trong Báo cáo chính trị nhiều, cao hơn so với trong Báo cáo chính trị tại Đại hội VIII, IX và cao hơn hẳn so với trong Báo cáo chính trị tại Đại hội X, nội dung cũng phong phú hơn. Lần đầu tiên sau các Đại hội VIII, IX và X, vấn đề đoàn kết trong Đảng được đưa vào phần đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ trước. Báo cáo chỉ rõ: “Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp uỷ chưa tốt”, và “nguyên tắc tập trung dân chủ còn bị vi phạm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng”. Trong phần trình bày mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác trong nhiệm kỳ tới, Báo cáo chính trị đã nêu lên một số luận điểm quan trọng về đoàn kết trong Đảng.
Việc Đại hội XI nhấn mạnh quan điểm coi “đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, từ đó nhấn mạnh các giải pháp về chính trị tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, giám sát… như trên là những điểm mới trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đoàn kết trong Đảng, và trong đó, chúng ta cũng có thể thấy ra những dấu ấn đậm nét của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đại hội XI là đại hội thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết số 12-NQ/TW về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI. Trong đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn và có ý nghĩa cực kỳ sâu sắc này, vấn đề đoàn kết trong Đảng đã giữ một vị trí hết sức quan trọng.
Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam và của Đảng Cộng sản Việt Nam, là cội nguồn làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc và của Đảng. Tuy vậy, đoàn kết không tự nhiên mà có mà lại rất dễ bị suy yếu, bị mất đi. Ý thức sâu sắc thực tế này, trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt là trên phương diện người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết trong Đảng. Người chỉ rõ tầm quan trọng của đoàn kết đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng. Người cảnh báo những nguy cơ có thể dẫn đến sự mất đoàn kết, chia rẽ trong Đảng; thẳng thắn phê phán những cấp ủy Đảng và đảng viên để xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong Đảng…
Di chúc là sự kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn, những điều hạnh phúc và nỗi day dứt lớn, những mong muốn và kỳ vọng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước những vấn đề lớn của Đảng, của dân tộc và của nhân loại, trong đó có vấn đề đoàn kết trong Đảng. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với tất cả lòng kính yêu mà toàn Đảng, toàn dân dành cho Người, Di chúc của Người đã đi vào thực tiễn sự nghiệp cách mạng của dân tộc một cách mạnh mẽ, sâu sắc. Trong thời kỳ Đổi mới, trên phương diện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng đã thể hiện giá trị một cách đậm nét.
Việc nghiên cứu Báo cáo chính trị tại các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi bắt đầu đổi mới đến nay cho thấy, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề đoàn kết trong Đảng luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm, đặc biệt là ở những giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng, của sự nghiệp cách mạng của dân tộc, khi phải đứng trước những thời cơ và cả những khó khăn, thách thức lớn. Đó là một bằng chứng mạnh mẽ khẳng định giá trị thực tiễn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.