Sáng ngày 26/04, CTCP Công Nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (HOSE: KSA) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 với doanh thu (DT) là 97 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) 21.5 tỷ đồng.
Đại hội nhận được khá nhiều câu hỏi từ các cổ đông tham dự.
Chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 khiêm tốn
Năm 2014, KSA đưa chỉ tiêu về DT là 97 tỷ đồng và LNST là 21.5 tỷ đồng, trong khi năm 2013, kế hoạch DT là 467.5 tỷ đồng và LNST là 42.1 tỷ đồng. KSA cho biết cơ sở chủ yếu đưa ra kế hoạch KQKD năm 2014 khiêm tốn là dựa trên KQKD thực hiện năm 2013. Theo đó, năm 2013, DT chỉ đạt được 28.1 tỷ đồng, tương đương 6% và LNST 18.5 tỷ đồng, tương đương 44% so với mức kế hoạch đề ra.
Mặc dù vậy, KSA cũng cho biết thêm là kết quả thực hiện cũng có thể đột biến lớn khi hoạt động xuất khẩu cát nhiễm mặn vận hành. Trước đó, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT cho biết, dự kiến trong quý 2/2014 (khoảng tháng 5), công ty sẽ xúc tiến xuất khẩu cát nhiễm mặn sang thị trường Singapore vốn đang có nhu cầu lớn về mặt hàng này.
Về BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2013, một cổ đông hỏi về khoản cho vay cá nhân 117 tỷ đồng của KSA là khá lớn, cụ thể là cho vay những cá nhân nào? Đây là câu hỏi khiến ông Nguyễn Quang Minh - Phó TGĐ KSA khá bất ngờ vì nghĩ rằng sẽ không có cổ đông nào hỏi về khoản này, đồng thời đã nhận được lời khen từ ông. Ông cho biết thực chất đây là khoản tiền ứng trước cho các đối tác trong vấn đề mua mỏ và các hoạt động khác liên quan đầu vào của KSA. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, KSA nhận thấy có một số điểm chưa chắc chắn của đối tác nên buộc KSA chuyển sang phương án có lợi cho KSA là yêu cầu đối tác thực hiện nghiệp vụ “giống như” là mượn tiền công ty để trong trường hợp đối tác mua mỏ không thành công thì KSA sẽ hủy nghiệp vụ này và thực hiện sang phương án khác dễ dàng hơn việc ký trực tiếp.
Một cổ đông khác hỏi về KQKD quý 1/2014 và được KSA cho biết, theo BCTC quý 1/2014 chưa hợp nhất, doanh thu đạt 29 tỷ đồng và LNST là 2.8 tỷ đồng. KSA cũng cho biết thêm là LNST sau hợp nhất cũng có thể thay đổi lớn.
Dự án nhà máy sản xuất xỉ Titan: Đích đến còn xa?
Trong năm 2014, KSA sẽ tiếp tục chú trọng vào lĩnh vực cốt lõi là titan, bên cạnh phát triển lĩnh vực năng lượng xanh là sản xuất viên nén gỗ (dự kiến trong quý 3/2014), và xuất khẩu cát nhiễm mặn (dự kiến tháng 5/2014). Đồng thời, duy trì các mảng kinh doanh truyền thống như cao lanh, đất sét, san lấp mặt bằng,…
Dự án xây dựng nhà máy sản xuất xỉ Titan nhận được nhiều cầu hỏi từ các cổ đông nhất về các vấn đề liên quan đến tiến độ xây dựng nhà máy, thời điểm tạo ra doanh thu và tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu, khách hàng đối tác,…
Ông Vũ Tuấn Hưng - Phó TGĐ phụ trách kỹ thuật của công ty cho biết hiện tại đã hoàn thành các thủ tục, quan trọng nhất là thủ tục đánh giá tác động môi trường. Tổng thời gian xây dựng nhà máy là từ 12-14 tháng, trong đó công tác xây dựng hạ tầng cơ sở 6-8 tháng, công tác lắp đặt máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ 6-8 tháng. Thị trường tiêu thụ giai đoạn đầu sẽ tập trung ở Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc 60%, còn Nhật Bản là 40%. Các đối tác từ hai thị trường này đều đã ký hợp đồng ghi nhớ với công ty.
Câu hỏi về thời điểm tạo ra doanh thu và tỷ trọng đóng góp hầu như không nhận được câu trả lời cụ thể nào từ công ty.
Phát hành 1.72 triệu trái phiểu chuyển đổi, tương đương 172 tỷ đồng
Một cổ đông thắc mắc về việc thực hiện chuyển đổi trái phiếu là có bắt buộc hay không do trong phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi có quy định giá chuyển đổi là giao cho HĐQT quyết định nhưng đảm bảo không thấp hơn mệnh giá. Tuy nhiên, nếu thị giá của KSA tại thời điểm thực hiện chuyển đổi thấp hơn mệnh giá thì sẽ thiệt thòi cho người nắm giữ nếu bắt buộc chuyển đổi (về đối tượng được chào bán trái phiếu là do HĐQT lựa chọn và quyết định theo hình thức chào bán riêng lẻ sau khi được ủy quyền của ĐHCĐ). Ông Phạm Ngọc An - TGĐ KSA cho hay việc thực hiện chuyển đổi là không bắt buộc để đảm bảo lợi ích hai bên.
Vốn thu được từ đợt phát hành nhằm phục vụ cho các hoạt động liên quan đến đầu vào khi xây dựng nhà máy ở một mỏ Titan với giá trị 129 tỷ đồng và để đầu tư nhà máy chế biến viên gỗ nén trị giá 43 tỷ đồng.
Thu Hoa