Đại hội cổ đông thường niên 2014 của CTCP Tập đoàn FLC đang diễn ra tại Hà Nội.
Đại hội cổ đông của Tập đoàn FLC
Theo tờ trình tại đại hội, CTCP Tập đoàn FLC sẽ thực hiện trả cổ tức đợt 2 năm 2013 với tỷ lệ 4%, khối lượng phát hành dự kiến là hơn 6 triệu cổ phần.
Trước đó FLC đã tạm ứng 5% cổ tức đợt 1 năm 2013 bằng tiền mặt trên quy mô vốn điều lệ cũ.
Đồng thời, FLC sẽ xin ý kiến cổ đông về việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Số cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu dự kiến là 154,36 triệu cổ phần.
Ngoài phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, FLC sẽ chào bán riêng lẻ 600 tỷ đồng vốn cổ phần cho đối tác chiến lược. Giá phát hành dự kiến từ 10.000 -12.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, nếu hoàn thành kế hoạch phát hành trên, tổng vốn điều lệ của FLC sẽ tăng lên khoảng 3.700 tỷ đồng vào cuối năm 2014. Ngoài ra nếu 800 tỷ trái phiếu chuyển đổi mới phát hành được chuyển đối đúng hạn vào tháng 4/2015, vốn điều lệ của tập đoàn này sẽ tăng lên 4.500 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2014, FLC đặt mục tiêu 3.300 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 10%.
Đại diện Tập đoàn cho biết, quý II/2014, FLC ước đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất, gấp hơn 2 lần lợi nhuận hợp nhất quý I/2014. Lũy kế 6 tháng cả năm, lợi nhuận của FLC ước đạt 144 tỷ đồng.
Trong phần thảo luận với các cổ đông tại đại hội, ban lãnh đạo FLC đã giải đáp nhiều câu hỏi vể chiến lược phát triển trong lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn, về quá trình tăng vốn "nóng", về giá và thanh khoản cổ phiếu FLC trên thị trường chứng khoán...
Lý giải đầu tư lớn vào tỉnh Thanh Hóa?
Ngoài dự án FLC Sam Son Golf Links, Tập đoàn hiện đã được UBND Tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho trên 10 dự án khác, bao gồm dự án FLC Vilas Sam Son, FLC Hotel Sam Son, Dự án Khu nhà hỗn hợp Nam Thành phố Thanh Hóa…..
Thanh Hóa có vị trí địa lý rất thuận lợi. Chính sách ưu đãi đầu tư rất tốt và sự ủng hộ cao từ phía lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. So với các dự án khác, chi phí đầu tư của FLC giảm đi rất nhiều.
Một lợi thế của Thanh Hóa nữa là các thành công của tỉnh này trong thu hút đầu tư, cả trong nước và nước ngoài, đặc biệt là khu kinh tế Nghi Sơn.
Đề nghị ban lãnh đạo cung cấp thêm thông tin về việc mua lại dự án tại 36 Phạm Hùng?
Đúng như báo chí đã đưa tin gần đây, FLC đã hoàn thành việc mua lại công ty sở hữu dự án tại 36 Phạm Hùng.
Mới đây FLC cũng đã công bố thông tin về việc chuyển quyền sở hữu tại pháp nhân này, theo đó tập đoàn mua lại 99% vốn tại công ty TNHH Đầu tư và Quản lý tòa nhà ION Complex. Giá trị phần vốn góp là 198 tỷ đồng.
Đây là một dự án đắc địa và FLC kỳ vọng thành công lớn ở dự án này nên sẽ khởi công ngay trong quý III/2014.
Chủ tịch FLC, thậm chí khẳng định, tập đoàn sẽ cam kết sẽ mua lại nếu người mua nhà bị lỗ tại dự án này.
Cập nhật thông tin về việc GEM cam kết đầu tư 40 triệu USD vào FLC?
Mới đây, Quỹ đầu tư The Global Emerging Markets Group (GEM) đã chính thức thông qua Hợp đồng đầu tư, theo đó GEM sẽ đầu tư 200 tỷ đồng vào FLC dưới dạng thu xếp vốn từng lần trong thời hạn 12 tháng.
Khoản đầu tư này sẽ được tính toán để phù hợp với kế hoạch giải ngân vốn và triển khai các dự án bất động sản của FLC trong vòng một năm tới.
Ngoài ra, cổ đông này cam kết sẽ mua vào khối lượng lớn cổ phiếu FLC trong thời gian tới với giá không thấp hơn 20.000 đồng/cp.
Công ty liên tiếp tăng vốn gấp đôi trong 2 năm liên tiếp, cổ phiếu sẽ bị pha loãng và giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư?
Nhiệm vụ quan trọng nhất của TTCK là trở thành kênh dẫn vốn, biến dòng vốn ngắn hạn thành dòng vốn dài hạn phục vụ nền kinh tế và tạo thanh khoản đồng vốn.
Trong năm 2013, hàng loạt doanh nghiệp đã bày tỏ ý định xin hủy niêm yết do không huy động vốn thành công. Nhưng FLC đã làm được điều ngược lại.
“Một nhà đầu tư có thể bị nhầm, nhưng hàng vạn cổ đông đã nộp tiền vào đợt phát hành vừa qua của FLC. Nguyên nhân duy nhất lý giải điều này là hiệu quả đồng vốn mà họ đã góp vào FLC” – Lãnh đạo FLC chia sẻ với cổ đông.
Với hàng loạt quy mô dự án lớn, việc tăng vốn điều lệ là đương nhiên, bởi FLC phải có nguồn lực tài chính lớn tương xứng tài trợ cho các dự án.
Một dự án tốt đến đâu đi chăng nữa, nếu sử dụng đòn bẩy quá cao, thì đều có rủi ro, bao gồm cả rủi ro lãi suất, thanh khoản và rủi ro thời điểm bán hàng. FLC không chấp nhận những rủi ro đó, việc tăng vốn điều lệ mang lại sự chủ động cho tập đoàn trong việc triển khai các dự án.
Kế hoạch huy động vốn cho các dự án trong thời gian tới. FLC có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế không?
Tập đoàn sẽ huy động vốn từ 4 nguồn khác nhau bao gồm:
Vốn chủ sở hữu nhằm đảm bảo tỷ lệ vốn tự có trong các dự án. Đợt phát hành thêm trong tờ trình tại ĐHCĐ 2014 phục vụ cho mục đích này.
Nguồn vốn thứ hai là huy động từ các nhà đầu tư, người mua nhà. Hiện nay, mặc dù chưa chính thức khởi công, nhiều dự án như FLC Garden, FLC Complex đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp, nhiều người mua nhà.
Nguồn thứ ba là vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Hiện đang có rất nhiều tổ chức tín dụng bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng tài trợ vốn cho FLC và người mua nhà. Dự án FLC Garden city, dự án nhà ở Bộ Tư pháp đã có BIDV Thanh Xuân chính thức ký cam kết tài trợ. MB cũng đang rất quan tâm tài trợ cho Dự án FLC Complex ở 36 Phạm Hùng.
Nguồn thứ tư là vốn tài trợ từ nước ngoài. Các quỹ đầu tư nước ngoài hiện đang rất quan tâm tới FLC Group.
Về kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế. Gần đây nhất, FLC đã làm việc với Asia Pacific Financial Engineering ở Singapore về việc phát hành trái phiếu tại Cayman, Anh. Thông tin chi tiết về đợt phát hành sẽ được trình cổ đông vào thời điểm thích hợp.
Đại hội cổ đông Tập đoàn FLC
Đoàn chủ tịch Đại hội
Đại diện FLC trả lời các câu hỏi của cổ đông
Bỏ phiếu bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát bổ sung
Thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát mới của FLC được bầu bổ sung