Mới đây, Times Higher Education (THE) đã công bố bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới THE WUR (Times Higher Education World University Ranking). Theo đó, ĐH Bách Khoa Hà Nội lọt vào top 801-1000.
Đánh giá về bảng xếp hạng THE WUR, PGS. Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định “Hầu hết các bảng xếp hạng đều coi trọng các chỉ số đánh giá thành tích nghiên cứu mà ít đánh giá sát thực chất lượng đào tạo và tác động xã hội. Trong bảng xếp hạng của THE thì các chỉ số năng suất, uy tín và ảnh hưởng nghiên cứu đã chiếm tới 60%, ngay cả tiêu chí chất lượng giảng dạy cũng lại căn cứ vào quy mô đào tạo tiến sĩ (8,25%) và ý kiến bình chọn của các học giả có thành tích cao về nghiên cứu (15%) tức một phần nào đó cũng gián tiếp phản ánh năng lực nghiên cứu. Nếu tính thêm cả chỉ số về chuyển giao tri thức và hợp tác công bố quốc tế nữa thì có thể nói các tiêu chí liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới nghiên cứu đã chiếm trọng số tới hơn 90%”.
Ảnh lấy từ nguồn https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2020/world-ranking.
"Những chỉ số phản ánh sát thực nhất chất lượng đào tạo như mức độ nỗ lực của người học, mức độ hài lòng của người học, tỉ lệ việc làm của người tốt nghiệp, mức độ gia tăng thu nhập khi tốt nghiệp thì chưa thấy bảng xếp hạng uy tín nào đề cập tới. Đó cũng là một vấn đề chúng ta cần suy ngẫm khi xây dựng chiến lược phát triển, cần phải quan tâm tới cả 3 nhiệm vụ cốt lõi trong sứ mạng của một trường đại học là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng", ông Sơn nói thêm.
Được biết, THE WUR được coi là một trong những bảng xếp hạng độc lập và có uy tín nhất, đánh giá các trường đại học dựa trên 13 chỉ số chia làm 5 nhóm: Đào tạo (chất lượng môi trường học tập và giảng dạy): 30%; Nghiên cứu (năng suất, thu nhập và danh tiếng): 30%; Trích dẫn (ảnh hưởng nghiên cứu): 30%; Hiện diện quốc tế (thu hút giảng viên, sinh viên và hợp tác nghiên cứu quốc tế) 7,5%; Nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp (Hiệu quả chuyển giao tri thức): 2,5%.