Doanh nghiệp - Doanh nhân

Dệt may xếp thứ 4 nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước

Trang Nhi 09/03/2024 - 11:50

Là một trong 4 nhóm hàng đạt kim ngạch cao nhất cả nước 2 tháng đầu năm, dệt may Việt Nam đã có khởi đầu thuận lợi trong chặng đường đua xuất khẩu.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2024 xuất khẩu dệt may đạt 5,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất cả nước. Kết quả này đạt được nhờ tình hình thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới dần ấm lại từ cuối năm 2023. Cùng với đó là sự nỗ lực tìm đơn hàng của cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước.

nganh-det-may.jpeg
Dệt may xếp thứ 4 nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước

Dù kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm có tích cực, tuy nhiên ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đơn hàng hầu hết được doanh nghiệp chuẩn bị trước Tết Nguyên đán. Hiện, các doanh nghiệp đang đôn đốc tìm kiếm đơn hàng để chạy đủ quý I/2024. “Hy vọng từ quý II/2024 tình hình đơn hàng sẽ tốt hơn”, ông Phạm Xuân Hồng nói.

Là ngành hàng xuất khẩu quan trọng của cả nước với kim ngạch cao và giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động, dệt may luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Công Thương. Bộ đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế trong và ngoài nước để tìm các nhà mua hàng mới, chuỗi phân phối mới. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin mới về những yêu cầu về phát triển bền vững của nước nhập khẩu.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Công Thương lần đầu tiên phối hợp tổ chức Triển lãm Quốc tế ngành Dệt may và Công nghệ Dệt may 2024 (VIATT 2024). Triển lãm có quy mô trên 500 gian hàng của hơn 400 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Triển lãm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam tham gia kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất của các hãng dệt may toàn cầu, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, khuyến khích các thương hiệu lớn trên thế giới chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu hình thành chuỗi cung ứng trong nước.

Ngành dệt may cũng kỳ vọng và đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023.

Muốn hoàn thành mục tiêu này, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dệt may xếp thứ 4 nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước