Derby thành London Chelsea - Arsenal trong Super Sunday của tuần này là trận đối đầu giữa hai đội bóng duy nhất đang bất bại ở giải ngoại hạng Anh nhưng khác nhau nhiều về điểm số và thứ bậc.
Derby thành London Chelsea - Arsenal trong Super Sunday của tuần này là trận đối đầu giữa hai đội bóng duy nhất đang bất bại ở giải ngoại hạng Anh nhưng khác nhau nhiều về điểm số và thứ bậc. Trận cầu nhiều duyên nợ này diễn ra đúng dịp kỷ niệm 18 năm dẫn dắt Arsenal của HLV Wenger nhưng không dễ để có quà cho giáo sư ở hiểm địa Stamford Bridge.
Stamford Bridge không quen tặng quà cho những đứa trẻ
HLV Wenger đã có trận đấu đáng nhớ để kỉ niệm 18 năm dẫn dắt Arsenal khi các Pháo thủ hủy diệt Galatasaray 4-1 tại đấu trường châu lục. Trở lại giải Ngoại hạng, pháo thủ đang nóng lòng lập một chiến công tại giải quốc nội để ngày vui được trọn vẹn. Còn gì tuyệt vời hơn nếu đoàn quân của HLV Wenger vượt qua đối thủ khó chịu cùng thành phố được dẫn dắt bởi “kẻ khó ưa” nhất đối với vị giáo sư người Pháp: Mourinho. Thế nhưng thực tế, Galatasaray chưa phải là Chelsea. Semih Kaya không phải là John Terry, Blerim Dzemaili cũng không thể đem ra so sánh với Nemanja Matic, hoặc Wesley Sneijder đã qua thời đỉnh cao để so với Eden Hazard. Và nhất là, Stamford Bridge không có thói quen tặng quà cho “những đứa trẻ nhà Wenger”.
Cả thế giới quay quanh Derby thành London
Các CĐV của Arsenal đang trông đợi vào sự bùng nổ của các ngôi sao hàng công như Mesut Oezil, Alexis Sanchez hay Danny Welbeck. Nhưng trên thực tế các ngôi sao này không thăng hoa ổn định mà lên trầm xuống bổng, vừa trận trước thăng hoa lên mây vẫn có thể có ngay trận sau đó mất hút trên sân cỏ. Nhưng cái đáng lo nhất của Pháo thủ là một hệ thống phòng ngự lỏng lẻo, dễ tổn thương, trong khi Chelsea phản công thần tốc, chính xác sắc lẹm đến nghẹt thở.
Lối chơi của Arsenal vẫn đơn điệu đến “ngây thơ” như suốt 18 năm qua dưới bàn tay HLV Wenger khi chỉ có một “bài” là tấn công ồ ạt. Bên kia chiến tuyến, Chelsea giờ đây đang có nhiều “bài vở” để dùng hơn bất cứ đội bóng nào ở Ngoại hạng. Họ biến ảo, nhịp nhàng hơn lúc nào hết, lúc nhanh hay lúc chậm, lúc phòng ngự, khi tấn công.
Arsenal đang bị nhiều đội bóng “bắt bài”. Qua nhiều trận đấu, một kịch bản xảy thường xuyên đã nói lên công thức: Muốn thắng Arsenal, hãy kèm chặt cầu thủ hàng tiền vệ, cắt bóng từ các đường chuyền của cầu thủ sáng tạo, sau đó phản công thật nhanh. Khoảng trống của các pha phản công đó thường xuất hiện ở vị trí của các cầu thủ di chuyển rộng. Các hậu vệ biên của Arsenal quen dâng cao và ít sự chắc chắn. Arsenal do đó gặp khó khi đối đầu với các đội bóng phòng ngự phản công mẫu mực. Mà Chelsea – Mou lại chính là một đội bóng như thế.
Chelsea của Mourinho, chưa bao giờ là một thử thách giản đơn đối với Pháo thủ thành London. Tại thời điểm này, phong độ của The Blue cũng đủ để khiến mọi đối thủ phải e ngại. Do đó, Stamford Bridge có lẽ lại thêm một lần “đi dễ khó về” với các chàng pháo thủ thành London.
“Chết” vì sự bảo thủ của Giáo sư
Một trong những lí do khiến các cầu thủ của Arsenal những năm qua cứ mãi là “những đứa trẻ không bao giờ lớn” là bởi người dìu dắt đã quá bảo thủ - bảo thủ để giữ sự ngây thơ. Không phủ nhận, Wenger là một trong những HLV tài năng bậc nhất thế giới đương đại nhưng ông cũng quá bảo thủ với chiến thuật cứng nhắc của mình. Wenger xây dựng được tinh thần cống hiến cao cho đội bóng của mình. Nhưng điều đó đôi khi phản tác dụng. Arsenal thiếu đi sự thực dụng cần thiết, sự lì lợm của một người đàn ông trưởng thành. Arsenal cứ chỉ biết lao lên tấn công như những con thiêu thân để rồi họ bùng nổ mãnh liệt ở những trận cầu trên cơ nhưng lại dễ dàng bị bóp nghẹt khi gặp những đối thủ sừng sỏ, toan tính.
18 năm dẫn dắt Arsenal, HLV Wenger đã gặt hái nhiều thành quả và cũng nhận về không ít trái đắng. HLV người Pháp này cũng có dịp so tài với rất nhiều các HLV tài năng trên khắp thế giới, thắng có thua có nhưng với riêng cái tên Mourinho thì vẫn cứ khắc khoải một niềm nhức nhối.
Người hâm mộ giới túc cầu chẳng còn xa lạ với những màn khẩu chiến kinh điển không có hồi kết giữa Giáo sư và Người đặc biệt. Nhưng trên sân cỏ đoàn quân của HLV Wenger chưa bao giờ đủ sức đôi co với các cầu thủ của HLV người Bồ. 11 lần đối đầu, HLV Wenger chưa từng một lần trọn vẹn niềm vui khi thất thủ đến 6 lần và có 5 trận khác kết thúc với tỉ số hòa.
Nói chẳng quá, Mourinho chính là cái tên luôn biết cách phá hỏng tiệc vui của Giáo sư. Không ít chiến thắng của Mourinho trước Wenger diễn ra vào những ngày trọng đại của Giáo sư người Pháp. Năm 2005, Mr Special đã phá hỏng bữa tiệc kỷ niệm 500 trận dẫn dắt Arsenal của Wenger bằng chiến thắng 1-0 tại Stamford Bridge. Mùa giải năm ngoái, Mourinho thêm một lần nữa khiến Wenger đau đớn đến tan nát trong trận đấu thứ 1000 khi dẫn dắt Chelsea hạ gục Pháo thủ 6 bàn không gỡ.
Hình ảnh HLV Wenger bất lực trong trận thua 0-6 trước Chelsea ở mùa trước liệu có lặp lại?
Bóng đá hiện đại không có nhiều chỗ cho sự ăn may, 11 lần đối đầu bất bại nó có cái lí của nó. Với Mourinho, nguyên tắc là đội mắc ít sai lầm hơn sẽ thắng và đội cầm bóng nhiều thì mới sợ sai lầm, mới để mất bóng, chứ đội cầm ít bóng thì ít có khả năng mắc sai lầm. Do đó Mourinho không thích cầm nhiều bóng. Ông rất thích đối thủ của ông là những đội ưa cầm bóng. Có lẽ chỉ với một Barcelona thời đỉnh cao mới làm khó được Mourinho khi cầm bóng quá siêu việt, mà trong tay Mourinho không đủ các quân bài như ý. Tài cầm bóng của Arsenal thì không thể so với Barcelona thời đỉnh cao nên HLV người Bồ có lí do để tự tin trước trận đấu này.
Ở trận này, HLV Mourinho có thể sẽ lại tăng cường chất cơ bắp cho đội hình với những cầu thủ giàu sức chiến đầu, có kỷ luật cao và khả năng tranh chấp tốt. Ở hàng tiền vệ bên cạnh Matic có thể là John Mikel. Hàng hậu vệ có thể HLV người Bồ có nhiều lựa chọn, thậm chí có một giải pháp dự bị hạng sang mà lúc này ít ai nghĩ tới là Filipe Luis cũng hoàn toàn phù hợp để gia tăng chất thép. Cesc Fabregas sẽ nhận mật lệnh hạn chế sự rườm rà khi gặp lại đội bóng cũ hoặc anh sẽ nhường chỗ cho một Willian lầm lì hơn.
Về tính cách Mourinho nóng nảy như lửa, Arsene Wenger ôn hoà như nước; nhưng về chiến thuật, Arsene Wenger cứng nhắc như nước đá còn Mourinho uyển chuyển như lửa trên tay nghệ sĩ múa. Có lẽ một lần nữa ở trận cầu tại Stamford Bridge, Arsene Wenger lại phải tự trách mình.