Chi phí cho điều trị viêm gan C cao và chưa được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, do đó có đến 90% bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị. Đây là thách thức lớn trong việc hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm viêm gan C.
Tại lễ mít tinh kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống viêm gan vừa diễn ra ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao nhất trong khu vực và đây là nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ước tính Việt Nam có 10 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong và gánh nặng bệnh tật của nhiễm viêm gan B và C rất lớn tại Việt Nam.
Trong khi đó, bệnh viêm gan C diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm viêm gan C không biết về tình trạng nhiễm virus của mình. Hiện nay, bệnh viêm gan C chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng gần đây với sự ra đời của các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C với phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%) đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh.
Khoảng 90% người nhiễm virus viêm gan C không biết mình mắc bệnh
Tuy nhiên, khó khăn đang mắc phải là chi phí cho điều trị lớn và chưa được BHYT chi trả, do đó hầu hết (90%) bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị. Đây là thách thức lớn trong việc hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm viêm gan C. Mặc dù Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang cân nhắc đưa loại thuốc điều trị viêm gan C thế hệ mới vào danh mục BHYT chi trả nhưng chỉ một phần nhỏ với lý do tiền thuốc quá đắt và chưa được lưu hành ở Việt Nam.
“Chúng tôi đề xuất Bộ Y tế đẩy nhanh việc cấp đăng ký lưu hành thuốc ở Việt Nam, đưa thuốc mới điều trị viêm gan C vào danh mục được BHYT chi trả với tỷ lệ chi trả hợp lý để hàng trăm nghìn người bệnh có cơ hội được chữa khỏi. Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để đưa ra các giải pháp can thiệp tăng cường tiếp cận điều trị, nâng cao nâng lực chẩn đoàn và điều trị góp phần thanh toán bệnh viêm gan vào năm 2030 như mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đã đề ra”, PGS Quốc Anh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), công tác điều trị bệnh này là một gánh nặng vì còn nhiều trường hợp mắc viêm gan B, C không biết. Việc tiếp cận với xét nghiệm chẩn đoán còn khó khăn vì không phải cơ sở y tế nào cũng có thể làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh viêm gan B, C.
Khó khăn tiếp theo là thuốc điều trị đối với viêm gan B, C còn đắt nên không phải ai cũng đủ điều kiện tiếp cận. Việc chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C mới chỉ triển khai tốt ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, còn hạn chế ở tuyến huyện. Do đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề xuất, các bệnh viện cần tiếp tục nâng cao năng lực chẩn đoán, quản lý, điều trị người bệnh.
Về vấn đề giảm gánh nặng về thuốc điều trị cho bệnh nhân viêm gan C, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, Bộ Y tế đã họp hội đồng thuốc và chấp nhận cho phép đưa vào sử dụng thuốc mới điều trị viêm gan C. Bộ Y tế cũng đã làm việc với các công ty dược nước ngoài để nhượng quyền sản xuất, sản xuất thuốc tại Việt Nam với giá thành rẻ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong tiếp cận điều trị căn bệnh này.