Đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật Tổ chức TAND 2014 về thẩm quyền xét xử

Nguyên Bình| 22/02/2023 13:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TANDTC đã tổ chức tổng kết thực tiễn thi hành, rà soát, đánh giá và xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức TAND 2014, xác định những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thi hành luật này.

Qua đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện tổ chức bộ máy của các TAND theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật Tổ chức TAND 2014 về thẩm quyền xét xử

Trụ sở TANDTC

Trong bài phát biểu tại hội nghị mới đây, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án 2014 là vấn đề cấp bách hiện nay. Qua gần 10 năm thi hành đến nay Luật Tổ chức TAND 2014 đã phát huy tác dụng nhất định và cũng đã bộc lộ nhiều điểm không hợp lý, phải thay đổi.

Dự thảo về xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND 2014 (chuẩn bị đưa ra thảo luận tại Hội nghị Toà án 4 cấp tới đây), cơ quan soạn thảo đã đưa ra một số chính sách mới, trong đó có việc hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy TAND.

 Theo đó, bộ máy Toà án được tổ chức theo hướng độc lập theo thẩm quyền xét xử, không theo cấp hành chính.

Thành lập các TAND chuyên biệt nhằm chuyên môn hoá hoạt động xét xử đối với một số loại vụ việc có tính chất đặc thù như: hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản; Bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số tòa án; Kiện toàn, tổ chức lại Toà chuyên trách, bộ máy giúp việc, đơn vị sự nghiệp tại một số Toà án.

Đổi tên TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành TAND phúc thẩm; TAND huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh thành TAND sơ thẩm. Đây là sự thể hiện về mặt hình thức nguyên tắc tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, khắc phục tình trạng có nhận thức cho rằng Tòa án là một cơ quan hành chính thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính.

Phát huy ưu thế trình độ chuyên môn sâu trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ việc khó, đòi hỏi chuyên môn cao; thay đổi nhận thức, gia tăng niềm tin của công chúng về hiệu quả hoạt động của Toà án thông qua việc tổ chức Toà án có tính chuyên môn hoá cao; Khắc phục tình trạng giám đốc thẩm, tái thẩm bị lạm dụng để trở thành cấp xét xử thứ ba.

Dự thảo đưa ra các giải pháp, bao gồm:

Đối với TANDTC: Cơ bản giữ nguyên tổ chức bộ máy giúp việc. Sắp xếp lại các đơn vị Học viện Tòa án, Báo Công lý và Tạp chí TAND theo hướng là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Đối với TAND cấp cao:  Tên gọi, cơ cấu tổ chức bộ máy cơ bản giữ nguyên như hiện tại; Bổ sung quy định về việc thành lập các Tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ; Tòa chuyên trách về Phá sản (trước mắt chỉ thành lập Tòa chuyên trách về Phá sản ở TAND cấp cao Hà Nội và Hồ Chí Minh; thành lập Tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ ở TAND cấp cao Hà Nội).

Sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của TAND cấp cao theo hướng phù hợp với thẩm quyền xét xử của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương/ TAND phúc thẩm theo địa hạt tố tụng; phúc thẩm, giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân chuyên biệt theo địa hạt tố tụng.

 Đối với TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, dự thảo cũng có hai phương án.

Phương án 1: Đổi tên thành TAND phúc thẩm (Ví dụ: TAND phúc thẩm Hải Phòng). Về cơ cấu tổ chức được giữ nguyên như quy định hiện hành của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ của TAND phúc thẩm theo hướng chuyển thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND từ cấp tỉnh trở lên; chuyển thẩm quyền giải quyết các vụ việc thuộc các lĩnh vực đặc thù về sở hữu trí tuệ, phá sản sang cho TAND chuyên biệt.

Phương án 2: Giữ nguyên tên gọi, cơ cấu tổ chức như hiện hành. Về chức năng, nhiệm vụ của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sửa đổi như phương án 1.

Đối với TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh - Đổi tên TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành TAND sơ thẩm.

Sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của TAND sơ thẩm theo hướng: TAND sơ thẩm có nhiệm vụ giải quyết, xét xử sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương/TAND phúc thẩm và TAND chuyên biệt.

Đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật Tổ chức TAND 2014 về thẩm quyền xét xử

Ngoài ra, dự thảo cũng đề nghị bổ sung các quy định về nội hàm quyền tư pháp; đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp; cơ quan tư pháp; các nguyên tắc tư pháp, cụ thể như sau:

Bổ sung quy định về nội hàm quyền tư pháp theo hướng: Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử và phán quyết; quyền tổng kết thực tiên xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quyền xây dựng và phát triển án lệ; quyền giám sát thi hành án; quyền quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân; quyền quyết định tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật.

Bổ sung quy định về đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp theo hướng: Quyền tư pháp có 06 đặc trưng cơ bản sau: Được thực hiện bởi các Tòa án độc lập chỉ tuân theo pháp luật; Được thực hiện theo một quy trình tố tụng nghiêm ngặt; Có hiệu lực bắt buộc mà các tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành; Được bảo đảm thi hành bằng quyền lực nhà nước trong phạm vi toàn quốc bởi cơ quan thi hành án chuyên trách;  Phán quyết tư pháp không bị thay đổi tuỳ tiện trừ khi bị chính Toà án thay đổi, huỷ bỏ theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục luật định; Phán quyết tư pháp khi đã tuân thủ đầy đủ quy trình tố tụng nhưng có sai sót không phải do lôi chủ quan thì được miên trừ trách nhiệm; chỉ bị kháng cáo, kháng nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật Tổ chức TAND 2014 về thẩm quyền xét xử