Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) lấy ý kiến người dân. Theo đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm; mở rộng người tham gia BHTN; phát triển kỹ năng nghề hướng tới thị trường lao động bền vững…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, về tham gia BHTN: Số người tham gia hiện chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; một số quy định về tham gia BHTN cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, như: quy định về đối tượng phải đóng BHTN, quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHTN; trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan BHXH về việc có việc làm của người lao động nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng BHTN; quy định về trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về BHTN, người lao động gặp khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng BHTN do không đủ điều kiện về đóng BHTN; quy định về bảo lưu thời gian đóng BHTN …
Mở rộng người tham gia BHTN
Nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất: Mở rộng người tham gia BHTN; sửa đổi 04 chế độ hiện hành theo hướng mở rộng phạm vi, rà soát điều kiện tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng; bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi và hỗ trợ trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, "cú sốc" thị trường … đột xuất khác.
Bên cạnh đó, quy định các vấn đề liên quan Quỹ BHTN, Hội đồng quản lý Quỹ BHTN (phù hợp với định hướng Luật BHXH (sửa đổi)). Quy định việc tổ chức thực hiện chính sách BHTN theo hướng tạo thuận lợi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia BHTN gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên.
Bổ sung một số quy định về tham gia BHTN: Trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ BHTN, quản lý đối tượng…
Đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHTN bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng BHTN phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHXH.
Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp thất nghiệp: Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh đó, sửa đổi điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng bỏ nội dung "gặp khó khăn do suy giảm kinh tế", quy định rõ người sử dụng lao động được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật lao động hoặc trong trường hợp thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng.
Sửa đổi, bổ sung quy định về tư vấn, giới thiệu việc làm: sửa đổi, bổ sung quy định những người đang tham gia BHTN đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; bổ sung quy định về kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm được xác định trên cơ sở số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm và giá dịch vụ công theo quy định của pháp luật về giá.
Sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ học nghề
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ học nghề: Sửa đổi tên chế độ "hỗ trợ học nghề" thành "hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề"; bổ sung quy định phạm vi hỗ trợ bao gồm các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; người lao động được hỗ trợ chi phí khác (đi lại, sinh hoạt phí…) trong thời gian học nghề; bổ sung một số trường hợp không được hỗ trợ học nghề gồm: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động để tuyển dụng, sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi bao gồm các quy định về điều kiện hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ.
Sửa đổi, bổ sung quy định về Quỹ BHTN
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất bổ sung nội dung chi của Quỹ BHTN, nhất là các nội dung chi hỗ trợ quản lý, phát triển người tham gia, thu thập thông tin cung - cầu lao động… góp phần quản trị thị trường lao động.
Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc đầu tư Quỹ BHTN, danh mục đầu tư theo tính chất sở hữu, khả năng sinh lời và quản lý rủi ro chặt chẽ, phù hợp với tính chất của Quỹ.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về Hội đồng quản lý Quỹ BHTN; bổ sung quy định về chi phí quản lý BHTN.
Bổ sung quy định về khiếu nại, tố cáo về BHTN: Quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo về BHTN.