Bộ Giao thông vận tải vừa có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tổng vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng 27.000 – 42.000 tỉ đồng.
Trong đó, tại miền Bắc gồm 42 cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 4,2 – 5,5 triệu TEU (đơn vị quy đổi tương đương một container tiêu chuẩn 20 feet)/năm; miền Trung-Tây Nguyên có 16 cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 0,66 – 0,95 triệu TEU/năm; miền Nam có 43 cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 6,8 – 9,3 triệu TEU/năm.
Trong giai đoạn đến năm 2030, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu) bởi đây là các cảng cạn gắn với phương thức vận tải khối lượng lớn (đường thủy nội địa, đường sắt), khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics và các cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế có nhu cầu vận tải với khối lượng lớn.
Theo báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam, cả nước hiện đã đầu tư, công bố và đưa vào khai thác 10 cảng cạn, 6 cảng thông quan nội địa (ICD) đang hoạt động thuộc các vị trí được quy hoạch cảng cạn nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi thành cảng cạn theo quy định. Các cảng cạn, ICD được phân bổ tập trung trên 5 hàng lang và khu vực kinh tế trong tổng số 15 hành lang và khu vực kinh tế có quy hoạch cảng cạn.
Tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và ICD đang hoạt động hiện nay khoảng 4,2 triệu TEU/năm.