Đề xuất ngạch, bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân

Mai Đỉnh| 26/02/2023 13:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Luật Tổ chức TAND đề xuất sửa đổi, bổ sung ngạch, bậc Thẩm phán theo hướng Thẩm phán TAND bao gồm Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán và Thẩm phán dự bị.

Đề cập đến chính sách hoàn thiện quy định về các chức danh tư pháp trong TAND, Tòa án đề xuất ngạch, bậc Thẩm phán TAND: Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán và dự bị. Đây là những vấn đề mới, là sự thay đổi quan trọng đối với hoạt động của hệ thống Tòa án.

Theo đó, mục tiêu của chính sách là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án, đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án chuyên nghiệp, trí tuệ, bản lĩnh, tận tụy và công tâm; bảo đảm cơ cấu các chức danh tư pháp tại Tòa án hợp lý; bảo đảm chế độ chính sách đặc thù nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp tận tâm, cống hiến, gắn bó lâu dài với công việc, đồng thời thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác tại Tòa án; bảo vệ Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác khi thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Trong đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện; cơ cấu ngạch, bậc, phân bổ các chức danh tư pháp và các chế độ chính sách đặc thù đối với từng chức danh tư pháp. Giải pháp thực hiện đó là bổ sung quy định các chức danh tư pháp trong TAND gồm: Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án.

Đề xuất ngạch, bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân

Đối với Thẩm phán: Sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ Thẩm phán theo hướng xác định Thẩm phán là người thực hiện nhiệm vụ xét xử và thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của Luật.

Theo đó, Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn: thực hiện nhiệm vụ xét xử; tổng kết thực tiễn xét xử, áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; xây dựng và phát triển án lệ; quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân; xem xét, quyết định các văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của luật; thực hiện nhiệm vụ tham gia, phục vụ công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo sự phân công của Chánh án Tòa án; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán TANDTC theo hướng gồm: thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Chánh án TANDTC.

Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán dự bị theo hướng: Thẩm phán dự bị thực hiện một số nhiệm vụ của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử dưới sự giám sát của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc; không được chủ tọa phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Sửa đổi quy định về ngạch, bậc Thẩm phán theo hướng: Thẩm phán TAND bao gồm Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán và Thẩm phán dự bị.

Bổ sung quy định về bậc Thẩm phán theo hướng: (1) Thẩm phán TANDTC có 02 bậc, trong đó: bậc 01 (khi được bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC); bậc 02 (sau 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC). (2) Thẩm phán có 08 bậc, từ bậc 01 đến bậc 08. (3) Thẩm phán dự bị có 01 bậc.

Bổ sung quy định về việc phân bổ Thẩm phán tại các cấp Tòa án phù hợp với yêu cầu của hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp theo hướng tại TANDTC có Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán và Thẩm phán dự bị; Tại các Toà án khác có Thẩm phán và Thẩm phán dự bị.

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC theo hướng bổ sung tiêu chuẩn về thâm niên công tác pháp luật và số lượng vụ việc đã tham gia giải quyết, xét xử; Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán cho phù hợp với cơ cấu ngạch, bậc Thẩm phán mới; Bổ sung quy định về quyền miễn trừ của Thẩm phán; quy định về đảm bảo an toàn cho Thẩm phán và gia đình của họ; quy định về chính sách người có công đối với Thẩm phán bị tổn hại sức khỏe, tính mạng vì lý do thực hiện công vụ.

Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với Thẩm phán theo hướng xác định thang, bảng lương riêng đối với từng ngạch, bậc Thẩm phán, tiến tới xây dựng chế độ tiền lương và các phúc lợi xã hội, khen thưởng, vinh danh đặc thù riêng đối với Thẩm phán.

Về Thẩm tra viên: Sửa đổi, bổ sung quy định về ngạch, bậc Thẩm tra viên theo hướng chỉ quy định một ngạch Thẩm tra viên với bậc, mức lương, chế độ chính sách tương ứng với bậc, mức lương, chế độ chính sách của Thẩm phán để thuận tiện trong quá trình luân chuyển, điều động Thẩm phán sang làm Thẩm tra viên và ngược lại bổ nhiệm Thẩm tra viên làm Thẩm phán.

Đối Thư ký Tòa án: Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với Thư ký Tòa án theo hướng quy định hệ thống lương và chính sách đối với Thư ký Tòa án do Nhà nước quy định phù hợp với đặc thù của công tác xét xử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất ngạch, bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân