Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.
Theo báo cáo, Luật Tổ chức TAND 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015.
Sau 08 năm thi hành, các quy định của Luật đã tạo hành lang pháp lý để các TAND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công, góp phần vào sự phát triển của nền tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật vẫn còn những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án đã ảnh hưởng đến việc xây dựng Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại; ảnh hưởng đến vị trí, vai trò của Tòa án với tư cách là một thiết chế thực hiện quyền lực tư pháp của quốc gia đang đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp được đề ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu BCH Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cần phải được thể chế hoá để triển khai thực hiện trên thực tế.
Cùng với đó, Cải cách tư pháp tại TAND (Chuyên đề số 21) do Ban Cán sự đảng TANDTC đề nghị xây dựng là một phần trong “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Và nhiệm của Toà án, đó là: Hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp
Theo cơ quan chủ trì TANDTC, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND nhằm thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp.
Trong đó, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về cải cách tư pháp, về đổi mới tổ chức thể hiện trong nhiều nghị quyết, văn kiện như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH trung ương Đảng khoá XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới…
Cụ thể, mục tiêu xây dựng chính sách đề ra: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.
Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án phải bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; đảm bảo Tòa án hoạt động công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.
Mô hình, quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của từng Tòa án.
Cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Kế thừa những quy định còn phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam để xây dựng Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, tiệm cận với mặt bằng chung của thế giới.
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án.
Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND sẽ khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại.
Theo đó, Nội dung Luật sửa đổi tập trung vào 6 chính sách bao gồm: (1) Hoàn thiện các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Tòa án; (2) Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy của TAND; (3) Sửa đổi, bổ sung về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; (4) Hoàn thiện quy định về các chức danh tư pháp trong TAND; (5) Bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (6) Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án.
Với mục đích là đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND. Xây dựng hệ thống TAND chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung đảm bảo thực hiện theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, với các giải pháp “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.”;
“Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử. Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng tòa án điện tử.”.
“Xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp; mở rộng thẩm quyền của tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Nghiên cứu làm rõ thẩm quyền hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa, những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.”…
Trên cơ sở phân tích, so sánh tác động của từng giải pháp, cơ quan soạn thảo đã đưa ra các lựa chọn phương án đảm bảo tính tối ưu, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Các vấn đề sẽ tiếp tục được hoàn thiện, chỉnh sửa trong thời gian tới hoặc trong quá trình tổng kết, đề xuất ban hành dự án Luật (sửa đổi) thay thế.
TANDTC đã trực tiếp tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong hoạt động đánh giá chính sách, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi và gửi xin ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, TANDTC đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách.
Dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 năm 2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm 2024.