Ngày 15/2, TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC chủ trì và trực tiếp trình bày.
Hội nghị được kết nối trực tuyến giữa điểm cầu Trung tâm tại TANDTC với gần 800 điểm cầu trong hệ thống Tòa án trên toàn quốc. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có các Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng; thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Tại Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thông tin, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trước đó, nước ta đã trải qua lộ trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị từ năm 2008 đến nay, và lần này nâng cấp và trở thành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng và đổi mới Nhà nước pháp quyền của Ban Chấp hành Trung ương.
PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC chủ trì và trực tiếp trình bày tại Hội nghị.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết chiến lược xây dựng và đổi mới Nhà nước pháp quyền từ nay đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, và Cải cách tư pháp tại TAND (Chuyên đề số 21) do Ban Cán sự đảng TANDTC đề nghị xây dựng sẽ là một phần trong chiến lược trên. Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin thêm, trên tinh thần đề xuất, có nhiều nội dung trong Chuyên đề số 21 của TAND đã được tiếp thu. Theo Chánh án, có những nội dung hệ thống Tòa án có thể thực hiện ngay, và cũng có nội dung thực hiện sau hoặc tiếp tục nghiên cứu.
Chánh án cho rằng, những nội dung quán triệt về cải cách tư pháp trong Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng rất quan trọng trong việc triển khai chiếc lược của Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó, thông qua Hội nghị này, các Chánh án TAND 4 cấp, cùng các cơ quan tham mưu của TANDTC sẽ có được những gợi mở hết sức cần thiết, đồng thời sẽ có những góp ý thảo luận trong Hội nghị Tòa án 4 cấp sắp tới.
Một trong những nội dung mà Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng đặc biệt quan trọng là bàn về đổi mới Luật tổ chức TAND 2014. Theo Chánh án, Luật TAND 2014 đã phát huy tác dụng nhất định nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Và đây là cơ hội để hệ thống Tòa án bổ sung, thay đổi Luật này. Qua đó, phát huy tác dụng tốt nhất, cũng như nâng cao chất lượng công tác đối với các công việc trong toàn hệ thống Tòa án.
Toàn cảnh Hội nghị
Đề cập đến Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Chánh án cho biết Nghị quyết có 9 nhiệm vụ. Trong đó nhiệm vụ thứ 7 của Toà án, đó là: Hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Và Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng xác định 3 nhiệm vụ trong tâm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ðẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử.
Cụ thể, nhiệm vụ thứ 7 về xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân bao gồm những điểm nổi bật như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; Bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận; Áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với tố tụng tư pháp; Ðổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án; Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính. Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định; Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp; mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân;
Nghiên cứu làm rõ thẩm quyền hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa, những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử; Phát triển nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý. Xác định rõ hệ tiêu chuẩn đối với từng chức danh; Ðổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác, nhất là đối với đội ngũ Thẩm phán.
Trong thời gian toàn còn lại của Hội nghị, để các đại biểu có cái nhìn tổng quát, cùng những công việc phải làm đối với hệ thống TAND, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã lần lượt triển khai, phân tích cụ thể, chi tiết từng nội dung trong nhiệm vụ thứ 7 thuộc về TAND của Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.