Tại phiên họp thứ 7 UBTVQH do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì khai mạc sáng nay 10-4, các Ủy viên UBTVQH cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, như mức tiền xử phạt, quy định mức tiền phạt cao hơn, thẩm quyền quy định mức phạt tiền cao hơn…
Cụ thể, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật quy định từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định này và cho rằng việc tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết, nhằm đảm bảo tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính. Hơn nữa, việc phân định mức phạt tiền tối đa như trên là hợp lý vì tổ chức không bị xử lý hình sự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp
Dự thảo Luật cũng quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tăng mức phạt tiền tại nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, vì mức phạt tiền theo dự thảo Luật đã tăng rất cao (gấp 4, 5 lần) so với hiện hành. Hơn nữa, quy định này sẽ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, không bình đẳng giữa các địa phương.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại tán thành với mức phạt tiền này vì cho rằng quy định như vậy là cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước đặc thù tại khu vực trên. Do đó, đề nghị cho giữ mức phạt tiền quy định tại dự thảo Luật. UBPL Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: phạt 2 tỷ đồng với tổ chức pháp nhân nhiều khi vẫn chưa thấm tháp gì. Đề nghị nghiên cứu quy định mức phạt nặng hơn nữa. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, mức phạt càng cao bao nhiêu thì chuyện thương lượng, hối lộ cán bộ càng dễ xảy ra bấy nhiêu. Cho nên, Luật phải thiết kế “chốt chặn”. Đồng tình về việc không nên tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm không thuộc sở hữu của người vi phạm nhưng ông Hiển nói: Vẫn cần phải có cách xử lý như thế nào đó chứ không đơn giản là trả lại. Như trường hợp bố mẹ quản lý không nghiêm để con vị thành niên sử dụng ôtô, xe máy, gây nguy hiểm cho xã hội chẳng hạn...
Về thẩm quyền quy định mức phạt tiền cao hơn nhiều ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định mức tiền phạt cao hơn ở khu vực nội thành. Thường trực UBPL tán thành với quy định này và cho rằng, trong trường hợp quy định tăng mức phạt cao hơn không quá hai lần tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, thì nên giao Chính phủ thẩm quyền quy định để bảo đảm tính thống nhất giữa các địa phương.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giao HĐND thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức tiền cao hơn nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu những ý kiến đã đóng góp hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Phó Chủ tịch cũng cho biết, các quy định mức phạt như dự thảo Luật là hợp lý. Vì đối với pháp nhân vi phạm nghiêm trọng để đảm bảo tính răn đe, ngoài mức xử phạt cao nhất 2 tỷ đồng thì Luật này cũng quy định phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu qủa cộng lại mức xử phạt sẽ lớn. Còn việc tịch thu, xử lý phương tiện vi phạm, nên xác định đến lỗi của chủ phương tiện để quy định sao cho phù hợp...
Bình Nguyên