Vấn đề quan tâm

Đề xuất mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cho viên chức, người lao động tại cơ sở y tế công lập

Nguyễn Cúc 20/05/2025 - 21:25

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định mới về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề các cơ sở y tế công lập nhằm phù hợp với bối cảnh mới của ngành y tế.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định mới về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở y tế công lập, thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP đã ban hành từ năm 2011.

Theo cơ quan soạn thảo, sau hơn một thập kỷ triển khai, Nghị định này đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh tình hình y tế – dịch tễ có nhiều thay đổi, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.

y-te.jpg
Ảnh minh họa

Theo Bộ Y tế, mô hình bệnh tật tại Việt Nam đang có xu hướng thay đổi nhanh chóng, với sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, sự xuất hiện của dịch bệnh mới nổi, trong khi các thách thức đối với hệ thống y tế dự phòng ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, vai trò của y tế dự phòng và y tế cơ sở – những tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng chống dịch – lại chưa được đánh giá và đãi ngộ tương xứng. Đặc biệt, thu nhập và chế độ phụ cấp cho đội ngũ nhân lực y tế ở những lĩnh vực, địa bàn đặc thù hiện nay còn thấp, chưa tạo động lực lâu dài để thu hút và giữ chân người lao động.

Xuất phát từ thực tiễn đó, dự thảo Nghị định mới đã đề xuất phân nhóm đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề thành 5 mức, từ 70% đến 30%, tùy theo tính chất công việc, nguy cơ lây nhiễm và điều kiện làm việc.

Cụ thể, mức phụ cấp cao nhất là 70% được đề xuất áp dụng cho những viên chức thường xuyên, trực tiếp thực hiện các công việc có nguy cơ lây nhiễm cao như khám, điều trị bệnh nhân lao, phong, tâm thần, HIV/AIDS, các bệnh truyền nhiễm nhóm A; hoặc làm việc tại các khoa hồi sức tích cực, giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý, bảo quản tử thi. Bên cạnh đó, viên chức làm chuyên môn y tế tại xã đặc biệt khó khăn, huyện đảo hoặc các bác sĩ công tác tại xã vùng II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng thuộc nhóm được hưởng mức phụ cấp cao nhất này.

Mức phụ cấp 60% được dành cho viên chức làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh có yếu tố nguy cơ như cấp cứu, bệnh truyền nhiễm (ngoài nhóm A), điều trị người khuyết tật nặng, thực hiện xét nghiệm tác nhân gây bệnh, kiểm dịch y tế biên giới, xạ trị, hóa trị và các kỹ thuật y học hiện đại như sinh học phân tử, y học hạt nhân... Nhóm này cũng bao gồm các bác sĩ làm việc tại trung tâm kiểm soát bệnh tật, viện y tế dự phòng và trạm y tế xã.

Với mức phụ cấp 50%, dự thảo đề xuất áp dụng cho viên chức làm việc tại các chuyên khoa như gây mê hồi sức, nhi, bỏng, da liễu, chẩn đoán hình ảnh, kiểm soát nhiễm khuẩn; những người làm dược lâm sàng và công tác tại các cơ sở điều trị nghiện chất hoặc cơ sở y tế tuyến huyện, xã.

Trong khi đó, mức phụ cấp 40% dành cho viên chức làm công việc chuyên môn y tế phổ thông như khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, giám định y khoa, công tác dược, kiểm nghiệm, an toàn thực phẩm, thiết bị y tế, dinh dưỡng, dân số, vệ sinh môi trường, y tế lao động... Những người không trực tiếp làm chuyên môn tại các đơn vị đặc thù như bệnh viện truyền nhiễm, HIV/AIDS, tâm thần, pháp y... cũng thuộc nhóm này.

Cuối cùng, mức phụ cấp thấp nhất – 30% – được áp dụng cho viên chức làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, y tế trường học, và những người không làm chuyên môn y tế tại các cơ sở sự nghiệp y tế nói chung.

Bên cạnh các nhóm viên chức, dự thảo cũng quy định người lao động làm việc theo hợp đồng tại các cơ sở y tế công lập theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP – nếu trực tiếp thực hiện công việc chuyên môn được phân loại nêu trên – thì có thể được xem xét hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, do thủ trưởng đơn vị quyết định căn cứ vào tính chất công việc và khả năng tài chính của đơn vị, nhưng không vượt quá mức phụ cấp theo quy định.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định này là một bước đi quan trọng nhằm thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp thầm lặng mà to lớn của đội ngũ cán bộ y tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế kỳ vọng rằng chính sách phụ cấp ưu đãi mới sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp tăng cường động lực, giữ chân nhân lực chất lượng cao và từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt bác sĩ, nhân viên y tế tại các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cho viên chức, người lao động tại cơ sở y tế công lập