Chính trị

Đề xuất lựa chọn 4/5 chuyên đề Quốc hội giám sát năm 2024 

Mai Thoa 11/04/2023 17:41

Tại phiên họp ngày 11/4, cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Tổng Thư ký Quốc hội đã đề xuất 4/5 nội dung đưa vào Chương trình giám sát năm 2024.

Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, UBTVQH.

Các đại biểu đều thống nhất đánh giá, Quốc hội, UBTVQH không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Đến nay, các nhiệm vụ theo Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ĐBQH đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng...

110420230253-z4255562859067_e4585175da0fcc3ffd1403288f1205e3.jpg
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp ngày 11/4.

Về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2024, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và sắp xếp lần lượt theo thứ tự số lượng đề xuất từ cao xuống thấp.

Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn..., Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH xem xét, lựa chọn 4 trong 5 nội dung chuyên đề giám sát, cụ thể:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Phát biểu thảo luận, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình cao với báo cáo và kết quả giám sát trong năm 2022; việc lựa chọn chuyên đề cho năm tiếp theo.

Bà Thanh cho rằng, công tác giám sát ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng cho không chỉ giám sát các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, mà còn tổng kết thực tiễn, nâng cao nhận thức cho chính các thành viên đoàn giám sát. Tuy nhiên, đề nghị cần chú trọng công tác hậu giám sát. Các chuyên đề giám sát tối cao cũng cần lưu ý báo cáo kết quả của các bộ, ngành sau 1 năm thực hiện các kiến nghị ra sao; những lời hứa và cam kết thực hiện. Phải kiểm đếm kết quả thực hiện chất vấn, giải trình để nâng cao giá trị làm việc.

Đối với các nội dung giám sát cụ thể trong báo cáo, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, 5 chuyên đề giám sát được thể hiện trong báo cáo đều là những vấn đề quan trọng, cấp bách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc lựa chọn 4 chuyên đề giám sát sẽ được thực hiện theo đa số phiếu bầu trong UBTVQH.

110420230204-z4255639836806_137ece7bfaa7619ab863ac38a89840b5.jpg
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.

Đồng tình với dự kiến Chương trình giám sát năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đề xuất trong năm 2025, Quốc hội tiến hành giám sát nội dung việc thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững SDGs. Năm 2025 đánh dấu 10 năm thực hiện SDGs (Mục tiêu phát triển bền vững), vì vậy, Quốc hội nên có tiếng nói đánh giá chung về đóng góp của Việt Nam đối với việc thực hiện các cam kết này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đánh giá: Công tác giám sát, từ đầu nhiệm kỳ đến nay có nhiều đổi mới, hiệu quả, đưa Quốc hội ngày càng bám sát với thực tiễn đời sống, thực sự xứng tầm với vai trò, ý nghĩa của giám sát tối cao. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm những nội dung đổi mới trong giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn, nêu rõ hơn nữa những tồn tại, hạn chế, để có phương án, giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả giám sát.

Về việc lựa chọn chuyên đề giám sát năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng 5 chuyên đề đưa ra đều rất quan trọng, tuy nhiên, cần cân nhắc chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, để đảm bảo trình tự hợp lý khi trong năm 2023, 2024, Quốc hội sẽ tiến hành thông qua Luật Đất đai và Luật Nhà ở.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị sửa đổi, bổ sung trong phần đánh giá chung của Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, UBTVQH. Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng đoàn Quốc hội về tăng cường năng lực, hiệu lực của hoạt động giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, hoạt động giám sát đạt kết quả tích cực, được Quốc hội, nhân dân, cử tri ghi nhận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung đánh giá về tồn tại, hạn chế trong báo cáo, bởi có lúc, có nơi vẫn chưa sâu sát trong hoạt động giám sát, nhất là tính phản biện trong hoạt động giám sát càng cao, càng kiến tạo phát triển phục vụ cho trước mắt và lâu dài; một số kiến nghị giám sát chuyên đề chưa sâu sát, thiếu thực tiễn, tính khả thi chưa cao; việc cử tổ công tác xuống địa phương thực hiện hiệu quả, nhưng cần giảm bớt phiền hà cho địa phương.

110420230204-z4255639836806_137ece7bfaa7619ab863ac38a89840b5.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để rút ra bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó để làm tốt các nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2023 và trong năm 2024. Đánh giá sâu hơn về những tồn tại, hạn chế cũng như những vướng mắc, bất cập thật rõ ràng; giá trị lý luận và giá trị thực tiễn mang lại qua hoạt động giám sát như thế nào; công tác điều phối, công tác chuẩn bị, huy động lực lượng, công tác phối hợp, phương pháp công tác của từng lực lượng… Ngoài ra, việc theo dõi các kiến nghị sau giám sát cũng cần phải có kế hoạch, thực hiện giám sát lại, giám sát đến cùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, cơ bản các ý kiến đều thống nhất với các chuyên đề mà Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất lựa chọn. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các Ủy ban liên quan hoàn thiện nội dung, phạm vi giám sát của từng chuyên đề, đồng thời hoàn thiện Báo cáo, dự kiến Chương trình và dự thảo Nghị quyết kèm theo trình UBTVQH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất lựa chọn 4/5 chuyên đề Quốc hội giám sát năm 2024