Tại dự Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ, công chức được hưởng tiền lương, tiền thưởng theo vị trí việc làm đảm nhận, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm cán bộ, công chức cấp xã (hiện hành) được giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương.
Theo Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31/12/2024, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là trên 212.600 người, trong đó có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên và 7,6% tốt nghiệp cao đẳng trở xuống.
Theo đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã không đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ ít, sẽ được giải quyết theo chính sách bảo đảm lợi ích chính đáng theo quy định của Chính phủ.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo Luật Cán bộ, Công chức sửa đổi. Trong đó, điểm đáng chú ý là việc sửa đổi các quy định liên quan đến cán bộ, công chức khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).
Để phù hợp với việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm cán bộ, công chức, trong đó quy định cán bộ, công chức ở Trung ương, ở cấp tỉnh và cấp xã (bỏ cấp huyện); đồng thời, bỏ một chương về cán bộ, công chức cấp xã trong Luật Cán bộ, Công chức hiện hành.
Theo đó, dự thảo Luật thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã, không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng rà soát các quy định về thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức tại dự thảo Luật để phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ quy định thẩm quyền của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện).
Trong dự Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ, công chức được hưởng tiền lương, tiền thưởng theo vị trí việc làm đảm nhận, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Khi công chức thay đổi vị trí việc làm thì được hưởng tiền lương và các chế độ liên quan theo vị trí việc làm mới.
Đây là điểm mới của dự luật khi Bộ Nội vụ đề xuất bỏ toàn bộ quy định về ngạch công chức trong luật hiện hành, thay vào đó Chính phủ sẽ quản lý theo vị trí việc làm.
Dự luật dành một chương riêng quy định về vị trí việc làm, trong đó có vị trí việc làm của công chức gồm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, làm hỗ trợ, phục vụ.
Đối với vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ thì cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động để thực hiện.
Cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động đối với những người có tài năng, chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số công việc chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Dự luật quy định về căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức. Đề xuất Chính phủ quy định chi tiết về vị trí việc làm.
Trong hồ sơ xây dựng dự luật sửa đổi, Bộ Nội vụ đã tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia về tiền lương của công chức và đưa ra một số đề xuất.
Theo đó, các quốc gia xây dựng cơ cấu tiền lương cho công chức gồm tiền lương, thưởng, phụ cấp đi lại, cư trú, khu vực… không có phụ cấp chức vụ do trả lương theo vị trí việc làm.
Tiền lương được xây dựng tính theo mức trung bình của xã hội và khu vực tư nhân. Vì vậy để đảm bảo đời sống cho công chức, giúp công chức yên tâm công tác, hạn chế việc làm thêm cũng như tiêu cực.
Do vậy Bộ đề xuất Việt Nam cần trả lương theo vị trí việc làm. Cơ sở để trả lương phải được tính bình quân theo khu vực tư nhân trả cho người lao động.
Bộ Nội vụ cho rằng có như vậy mới giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác và góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, phòng chống tham nhũng và "chảy máu chất xám".