Nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ, thông suốt khi các địa phương thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất thay đổi phân cấp thẩm quyền trả lời báo chí.
Hướng tới mục tiêu đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ, thông suốt khi các địa phương thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến phân cấp, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Dự thảo được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp đang được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc.
Theo cơ quan soạn thảo, hiện nay, Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Theo kế hoạch, từ ngày 1/7/2025, các đơn vị hành chính cấp huyện hiện tại sẽ kết thúc hoạt động, chuyển sang mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Chính quyền cấp xã tại các đơn vị hành chính mới sẽ được kiện toàn, chính thức đi vào hoạt động muộn nhất là ngày 15/8/2025.
Việc chuyển đổi mô hình tổ chức đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, đặc biệt là hệ thống pháp luật điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các cấp chính quyền. Trong thực tế, nếu không có sự sửa đổi kịp thời các quy định pháp luật hiện hành, quá trình thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp sẽ bị gián đoạn, làm phát sinh ách tắc trong hoạt động điều hành, quản lý tại địa phương.
Chính vì vậy, việc Bộ VHTT&DL chủ động rà soát, xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi các quy định liên quan là bước đi cần thiết và phù hợp với yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Theo nội dung dự thảo, Bộ VHTTDL đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hiện hành liên quan đến phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực như: văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch; báo chí, phát thanh – truyền hình; thông tấn; xuất bản, in và phát hành; thông tin điện tử, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại.
Dự thảo hướng đến việc thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng, các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định mới của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và Nghị quyết số 190/2025/QH15 về việc sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
Đáng chú ý, một trong những văn bản được sửa đổi là Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Dự thảo đề xuất bổ sung đối tượng “UBND cấp xã” vào quy định tại Điều 2, nhằm mở rộng trách nhiệm phát ngôn chính thức cho cả chính quyền cơ sở sau sắp xếp.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung khác được sửa đổi hoặc bãi bỏ để phù hợp với mô hình tổ chức mới. Cụ thể:
Thay cụm từ “cấp huyện” bằng “cấp tỉnh” tại điểm a khoản 4 Điều 5;
Bỏ cụm từ “UBND cấp huyện và” tại lời dẫn khoản 3 và điểm a khoản 3 Điều 3;
Bỏ cụm từ “và UBND cấp huyện” tại lời dẫn khoản 3 và điểm c khoản 3 Điều 5.