Vấn đề quan tâm

Đề xuất cách xác định quỹ tiền lương theo đơn giá

Nguyễn Cúc 01/04/2025 - 22:01

Bộ Nội vụ đưa ra phương pháp xác định quỹ tiền lương thông qua mức lương bình quân, đơn giá tiền lương ổn định và các quy định về quỹ tiền lương trong một số trường hợp đặc biệt.

Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc quản lý dựa trên các quy định tại Nghị định số 44/2025/NĐ-CP.

Theo đó, năng suất lao động sẽ được tính toán theo hướng dẫn tại phụ lục dự thảo, đồng thời các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ được xem xét để loại trừ khi xác định tiền lương và thù lao.

Nguyên tắc chung là nếu yếu tố khách quan làm tăng các chỉ tiêu này thì cần giảm trừ, còn nếu làm giảm thì sẽ được cộng thêm khi tính toán nhằm đảm bảo tính công bằng và phản ánh đúng thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

tienluong.png
Ảnh minh họa

Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch lao động, tuyển dụng, sử dụng lao động cũng như thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định tại Điều 5 của Nghị định.

Việc xây dựng, ban hành thang lương, bảng lương và phụ cấp lương phải tuân thủ Điều 6, theo đó những doanh nghiệp đã có hệ thống thang, bảng lương phù hợp với quy định hiện hành thì có thể tiếp tục áp dụng.

Trường hợp hệ thống này chưa đáp ứng yêu cầu thì doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới để đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Về tiền lương của người lao động và Ban điều hành, dự thảo đưa ra phương pháp xác định quỹ tiền lương thông qua mức lương bình quân, đơn giá tiền lương ổn định và các quy định về quỹ tiền lương trong một số trường hợp đặc biệt, bao gồm tạm ứng, dự phòng và phân phối tiền lương.

Đáng chú ý, phương pháp xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định (*) được xây dựng dựa trên tổng tiền lương thực tế của các năm liền trước chia cho tổng giá trị các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, tổng tiền lương bao gồm quỹ tiền lương thực tế của người lao động và Ban điều hành trong các năm liền kề trước năm áp dụng đơn giá, trong đó nếu sử dụng dữ liệu từ năm 2024 trở về trước thì sẽ tính cả tiền thưởng an toàn (nếu có).

Số năm làm cơ sở tính toán tối thiểu là hai năm và tối đa là năm năm. Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh để tính đơn giá tiền lương do doanh nghiệp lựa chọn, có thể bao gồm tổng sản phẩm, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận hoặc các chỉ tiêu khác phản ánh đúng đặc điểm sản xuất, tính chất lao động và mức hao phí lao động của doanh nghiệp.

Quỹ tiền lương theo đơn giá được xác định theo công thức sau:

QTLĐG = ĐG X TCTĐGTH

Trong đó:

QTLĐG: Quỹ tiền lương theo đơn giá.

ĐG: Đơn giá, xác định theo quy định trên.

TCTĐGTH: Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp lựa chọn tính đơn giá của năm thực hiện.

Căn cứ quỹ tiền lương theo đơn giá tại công thức trên, doanh nghiệp xác định quỹ tiền lương thực hiện gắn với năng suất lao động và lợi nhuận như sau:

1- Doanh nghiệp có lợi nhuận năm thực hiện không thấp hơn lợi nhuận bình quân thì quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương theo đơn giá và điều chỉnh theo năng suất lao động như sau:

Trường hợp mức tăng (theo tỷ lệ %) quỹ tiền lương theo đơn giá so với quỹ tiền lương bình quân bằng hoặc thấp hơn hơn mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động thực hiện so với năng suất lao động bình quân thì quỹ tiền lương thực hiện được xác định bằng quỹ tiền lương theo đơn giá.

Trường hợp mức tăng (theo tỷ lệ %) quỹ tiền lương theo đơn giá so với quỹ tiền lương bình quân cao hơn mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động thực hiện so với năng suất lao động bình quân thì phải giảm trừ quỹ tiền lương theo đơn giá, bảo đảm mức tăng (theo tỷ lệ %) quỹ tiền lương theo đơn giá so với quỹ tiền lương bình quân không vượt quá mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động thực hiện so với năng suất lao động bình quân.

Quỹ tiền lương bình quân được xác định bằng bình quân của các quỹ tiền lương thực tế thực hiện tại quy định (*) nêu trên.

2- Doanh nghiệp có lợi nhuận năm thực hiện vượt lợi nhuận bình quân thì được tính thêm tiền lương vào quỹ tiền lương thực hiện quy định tại khoản 1 nêu trên theo nguyên tắc vượt 1% lợi nhuận thì được tăng thêm tối đa 2% quỹ tiền lương thực hiện, nhưng phần tiền lương tăng thêm không quá 20% phần lợi nhuận năm thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch và không quá 02 tháng tiền lương bình quân thực hiện xác định trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện theo khoản 1 nêu trên chia cho số lao động bình quân thực tế sử dụng tính theo Phụ lục dự thảo.

3- Doanh nghiệp có lợi nhuận thực hiện thấp hơn lợi nhuận bình quân thì phải giảm trừ quỹ tiền lương theo đơn giá tương ứng theo tỷ lệ (%) hoặc theo giá trị tuyệt đối của phần lợi nhuận năm thực hiện thấp hơn so với lợi nhuận bình quân, bảo đảm quỹ tiền lương thực hiện sau khi giảm trừ không thấp hơn quỹ tiền lương tính trên cơ sở số lao động bình quân thực tế sử dụng và mức tiền lương chế độ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP.

4- Doanh nghiệp năm thực hiện không có lợi nhuận hoặc lỗ thì quỹ tiền lương thực hiện được tính trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương chế độ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 44/2025/NĐ- CP.

Trường hợp giảm lỗ (kể cả năm thực hiện không có lợi nhuận) so với lợi nhuận bình quân thì căn cứ vào mức độ giảm lỗ để xác định quỹ tiền lương, bảo đảm tương quan chung và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.

Dự thảo nêu rõ, lợi nhuận bình quân quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 nêu trên được xác định bằng bình quân của lợi nhuận thực hiện của các năm tương ứng với các năm doanh nghiệp tính quỹ tiền lương thực hiện theo quy định (*) nêu trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất cách xác định quỹ tiền lương theo đơn giá