Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa cho ý kiến Tờ trình của Chánh án TANDTC về bổ sung tạm thời biên chế, số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp cho Tòa án.
Cần thiết tăng số lượng Thẩm phán
Theo Tờ trình của TANDTC, căn cứ quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì ngoài 5 Tòa chuyên trách trước đây (gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Lao động, Tòa Kinh tế và Tòa Hành chính), tại TAND cấp tỉnh thành lập thêm Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Đồng thời, căn cứ quy định của các Luật Tố tụng tư pháp mới được Quốc hội khóa XIII thông qua trong năm 2015 thì với số lượng Thẩm phán hiện có (1.170 người), các TAND cấp tỉnh sẽ không bảo đảm thực hiện các thẩm quyền và nhiệm vụ mới được giao. Trên cơ sở công tác thống kê số lượng các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh (trong năm 2013, 2014 và 2015); trước mắt, TANDTC đề nghị bổ sung Thẩm phán TAND các cấp.
Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Tư pháp (UBTP) nhận định, từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các Tòa án, các ý kiến tham dự phiên họp cơ bản đều thống nhất: Để phúc đáp kịp thời việc thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Nghị quyết của Quốc hội, việc bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp là thực sự cần thiết.
TAND cấp cao là đơn vị mới được thành lập, có thẩm quyền tư pháp trên phạm vi nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh; thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của các Tòa phúc thẩm TANDTC và các Tòa chuyên trách TANDTC (trước đây), của Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật. Theo Tờ trình thì khối lượng công việc tại 3 TAND cấp cao là rất lớn, dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc đối với mỗi Thẩm phán của TAND cấp cao, ảnh hưởng tới chất lượng công tác xét xử, không bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Vì vậy, trước mắt, để đáp ứng yêu cầu công việc, Thường trực UBTP tán thành với đề nghị của Chánh án TANDTC về việc bổ sung thêm 67 Thẩm phán cho 3 TAND cấp cao trên cơ sở căn cứ vào số vụ việc tăng trung bình 10% hàng năm thì điều chỉnh tỷ lệ Thẩm phán được bổ sung tương ứng cũng là 10% so với tỷ lệ tăng số vụ việc phải giải quyết. Như vậy bảo đảm được sự phù hợp giữa tăng vụ việc và bổ sung chỉ tiêu Thẩm phán.
Tại TAND cấp tỉnh, Chánh án TANDTC đề nghị bổ sung 65 Thẩm phán cao cấp cho 63 TAND cấp tỉnh; riêng TAND TP. Hà Nội và TAND TP. Hồ Chí Minh có 2 Thẩm phán cao cấp (Chánh án và 1 Phó Chánh án). Thường trực UBTP tán thành với đề nghị của Chánh án TANDTC bổ sung 65 Thẩm phán cao cấp cho 63 TAND cấp tỉnh, phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp tương tự như số lượng Kiểm sát viên cao cấp tại 63 VKSND cấp tỉnh vừa được UBTVQH quyết định theo Nghị quyết số 1155/NQ-UBTVQH13 ngày 02/3/2016.
Về việc bổ sung Thẩm phán trung cấp, trên cơ sở số lượng các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh đã thụ lý, giải quyết (trong các năm 2013, 2014 và 2015), Chánh án TANDTC đề nghị bổ sung Thẩm phán trung cấp cho các TAND cấp tỉnh theo định mức xét xử 4 vụ việc/tháng/Thẩm phán. Hiện nay, 63 TAND cấp tỉnh có 1.170 Thẩm phán trung cấp (Theo Nghị quyết 473a/NQ-UBTVQH13 ngày 28/3/2012), theo định mức xét xử nêu trên, TANDTC đề nghị bổ sung thêm 122 Thẩm phán trung cấp; mỗi TAND cấp huyện có 01 Thẩm phán trung cấp (là Huyện ủy viên, Chánh án TAND cấp huyện). Do đó, sẽ có 710 Thẩm phán trung cấp.
Hội đồng xét xử của một vụ án hình sự
Thường trực UBTP cho rằng, trong thời gian qua số lượng các loại vụ án mà TAND cấp tỉnh thụ lý giải quyết năm sau cao hơn năm trước. Vì vậy, việc bổ sung chỉ tiêu Thẩm phán cho các TAND là cần thiết. Số lượng Thẩm phán trung cấp tại TAND cấp tỉnh được bổ sung cần đuợc tính theo nguyên tắc tỷ lệ với số lượng các loại vụ việc phải giải quyết tăng tại TAND cấp tỉnh (10%/năm) tương tự như việc tính điều chỉnh bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp. Do đó, trên cơ sở tổng số Thẩm phán trung cấp hiện có là 1170 người theo Nghị quyết 473a của UBTVQH thì số Thẩm phán trung cấp cần được điều chỉnh tăng tương ứng 10% sẽ là 117 người. Vì vậy, Thường trực UBTP nhất trí đề nghị bổ sung 117 Thẩm phán trung cấp cho TAND cấp tỉnh. Thường trực UBTP tán thành với đề nghị của Chánh án TANDTC về việc phân bổ số lượng Thẩm phán trung cấp tại TAND cấp huyện là 710 người trong tổng số 4.856 Thẩm phán.
Nếu tăng 5% Thẩm phán cho Tòa cấp huyện vẫn thiếu
Còn về việc bổ sung Thẩm phán sơ cấp, Chánh án TANDTC đề nghị bổ sung thêm số lượng Thẩm phán sơ cấp cho các TAND cấp huyện là 369 người.
Tuy nhiên, UBTP cho rằng, về nguyên tắc theo phân tích trên thì số lượng Thẩm phán của mỗi TAND cấp huyện sẽ được xác định cụ thể dựa trên cơ sở vụ việc phải giải quyết hàng năm. Trong thời gian vừa qua, tương tự như tại TAND cấp tỉnh, số lượng các loại vụ án mà TAND cấp huyện phải thụ lý giải quyết năm sau cao hơn năm trước. Vì vậy, Thường trực UBTP tán thành đề nghị bổ sung 243 Thẩm phán sơ cấp (bằng 5% của 4.856 Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp của TAND cấp huyện theo Nghị quyết số 473a của UBTVQH).
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2014, TAND đã được giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và loại việc này đang có xu hướng tăng mạnh, ngoài số lượng như trên, cần bổ sung thêm 111 Thẩm phán sơ cấp tại TAND cấp huyện để giải quyết các vụ việc về xử lý hành chính tại Tòa án như Tờ trình của Chánh án TANDTC.
Đối với Tòa án Quân sự Trung ương: Số lượng Thẩm phán được giao hiện nay là 19 người. Đề nghị UBTVQH điều chỉnh xuống còn 15 Thẩm phán cao cấp (giảm 4 Thẩm phán). Đối với Tòa án quân sự cấp quân khu: Số lượng Thẩm phán được giao hiện nay là 54 Thẩm phán trung cấp (chưa có chỉ tiêu Thẩm phán cao cấp). Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 12 Thẩm phán cao cấp (trong tổng số biên chế Thẩm phán đã được phân bổ nêu trên) cho các Tòa án quân sự cấp quân khu, gồm: Mỗi Tòa án quân sự cấp quân khu có 1 Thẩm phán cao cấp (Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu); riêng Tòa án quân sự Quân khu 3, Tòa án quân sự Quân khu 5 và Tòa án quân sự Quân khu 7 có 2 Thẩm phán cao cấp (Chánh án và 1 Phó Chánh án).
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến cho rằng việc tăng số lượng Thẩm phán cho các Tòa án là cần thiết hiện nay để đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Hiện nay, Thẩm phán đang thiếu, vì vậy phải có trách nhiệm đảm bảo vấn đề này của Tòa án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhất trí với Tờ trình của TANDTC về việc tăng số lượng Thẩm phán để đảm bảo hoạt động của Tòa án và đề nghị UBTP nghiên cứu thêm cho phù hợp. Đây là cần thiết tính toán trên cơ sở không tăng biên chế nhưng phải đảm bảo công tác. Nhiều Tòa quân sự địa bàn rộng, số lượng án lớn nên cần phải bổ sung nên đề nghị TANDTC chứng minh bằng số liệu thực tế trong đề xuất tăng Thẩm phán của mình.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải trình thêm, nếu Tòa cấp huyện chỉ tăng thêm 5% Thẩm phán sơ cấp như đề nghị của UBTP sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc. Vì thực tế, theo Luật Tổ chức TAND (mới) đã đưa cơ cấu khu vực vào cơ cấu của Tòa cấp huyện. Qua ý kiến phản ánh của các Tòa án địa phương nói rằng, nếu thực hiện theo Luật sẽ không đủ Thẩm phán để thi hành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, trước yêu cầu đặt ra là phải có thêm một số Tòa chuyên trách nên sẽ không đủ Thẩm phán để cơ cấu ra các Tòa chuyên trách. Trước mắt, để thực hiện nhiệm vụ, không còn giải pháp nào khác là phải tăng số Thẩm phán cho các Tòa cấp huyện như đề xuất để xử lý công việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị cân nhắc thêm về vấn đề này, đồng thời giao cho Chánh án TANDTC và UBTP chuẩn bị kỹ nội dung này để trình UBTVQH cho quyết nghị vào phiên họp sau.