Để sống được bằng lương

Trung Nguyễn| 08/01/2019 07:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tham dự chương trình Tết sum vầy do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 6/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ, từ nay cho tới năm 2020, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng, hoàn thiện chính sách về tiền lương.

Theo Phó Thủ tướng từ năm 2021 trở đi người lao động có thể bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho cả cá nhân và gia đình bằng lương. Đây cũng là niềm mong mỏi của hàng triệu người lao động trên cả nước.

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách 2019, Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2019 tăng từ 1,39 lên 1,49 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở là thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp để đến năm 2021 đẩy nhanh tiến độ tăng lương cơ sở. Điều chỉnh tiền lương cơ sở này chỉ áp dụng đối với cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với mục tiêu là bù đắp phần trượt giá tiêu dùng.

Việc điều chỉnh mức lương cơ sở sẽ tác động đến kinh tế-xã hội nhưng sẽ không lớn, không tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng vì mức điều chỉnh chỉ khoảng 7%. Tuy nhiên, từ năm 2021 chúng ta bắt đầu thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách toàn diện hệ thống thang, bảng lương. Thang lương tính theo hệ số sẽ được tính bằng lương tuyệt đối. Theo đó, trong khu vực Nhà nước sẽ có 2 bảng lương. Đó là lương của những người giữ chức vụ lãnh đạo và lương dành cho cán bộ, công nhân viên chức thừa hành. Ngoài ra, còn có bảng lương dành cho lực lượng vũ trang, công an, quân đội. Còn khu vực kinh doanh, việc tính lương vẫn dựa theo nguyên tắc thương lượng tập thể trên cơ sở Nhà nước xác định mức lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng được xác định bằng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Khi cải cách tiền lương thì mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng cố gắng  phải hòa nhập với nhau, bằng với mức lương tối thiểu của vùng thấp nhất. 

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm, để đảm bảo cho việc tăng lương cho người lao động, ngay từ đầu năm 2019, các cơ quan, đơn vị phải quyết liệt tăng thu ngân sách; tiết kiệm 10% khoản chi thường xuyên/năm để hỗ trợ cho việc tăng lương cơ sở. Song song với việc tăng lương cho người lao động thì Chính phủ cần tiến hành kiểm soát giá cả các mặt hàng trên thị trường tăng theo khiến việc tăng lương cho người lao động không thể chạy theo được và làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.

Đại biểu Nguyễn Duy Hiểu (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, nếu thực hiện theo mức lương mới từ năm 2021, người lao động sẽ được hưởng lương cao hơn so với hiện tại. Ngoài mức lương được tính theo vị trí việc làm, năng lực của từng người thì mỗi cơ quan, đơn vị nên dành thêm một khoản tiền thưởng để khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả, năng suất.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, muốn cải cách được chính sách tiền lương thì các cơ quan nhà nước phải thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu để tạo ra nguồn lực. Đó là tiết kiệm, tăng thu ngân sách, tinh giản bộ máy quản lý hành chính, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

Các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được giao quyền tự chủ và Nhà nước sẽ chỉ trả chi phí mà đơn vị đó đề xuất tuyển dụng lao động theo nhu cầu. Như vậy, việc tinh giản biên chế sẽ là căn cứ quan trọng để cải cách chính sách tiền lương. Khi thực hiện chính sách chi trả tiền lương theo hệ số lương tuyệt đối, phía người lao động phải không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, tác phong công nghiệp để tạo ra năng suất lao động cao hơn cho cơ quan, đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để sống được bằng lương