Đề nghị thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Mai Thoa| 03/06/2022 11:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 3/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Đây là nội dung tương đối “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm.

202206030959302503_cqh_3261.jpg

Theo Tờ trình của Chính phủ, đề nghị ban hành nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới.

Theo đó, Nghị quyết này quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an, trong đó trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo kế hoạch do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt.

Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm các nguyên tắc: an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.

202206030959302190_3.-pho-chu-tich-quoc-hoi-tran-quang-phuong.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung họp sáng nay 3/6.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, UBTP cơ bản đồng tình. Theo đó, việc đề xuất áp dụng thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là phù hợp với chủ trương, định hướng cải cách tư pháp; không trái với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, các nội dung quy định về việc thí điểm trong dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm thực hiện thống nhất, đầy đủ chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và các chế độ, chính sách khác đối với phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các luật có liên quan.

UBTP cơ bản tán thành với Chính phủ về quy định việc thí điểm mô hình trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo kế hoạch do cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt; số trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Vì trong đó đã xác định rõ mô hình thí điểm, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình thực hiện thí điểm.

Dự thảo Nghị quyết quy định 11 nhóm phạm nhân thuộc diện không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, trên cơ sở xác định điều kiện về tội danh, tính chất, mức độ phạm tội và một số điều kiện khác; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết các tiêu chí, quy trình lựa chọn phạm nhân.

UBTP cơ bản tán thành với Chính phủ về phương án quy định trên. Theo đó, dự thảo Nghị quyết chỉ nên quy định các trường hợp không được đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam. Đây là các quy định mang tính nguyên tắc về áp dụng chính sách hình sự của Nhà nước ta.

Việc giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, quy trình lựa chọn phạm nhân được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam nhằm bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế tại từng trại giam, phù hợp với tính chất của Nghị quyết của Quốc hội là tổ chức thí điểm mô hình này. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định để bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan và tính khả thi trong thực tiễn (ví dụ, Nghị quyết chỉ nên quy định các trường hợp “đang bị bệnh” thì không được đưa ra lao động ngoài trại giam ).

Tờ trình Chính phủ cũng đề nghị thí điểm trong thời gian là 5 năm, tính từ 1/9/2022.

Nội dung dự thảo nghị quyết nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH. Nhiều ý kiến băn khoăn khi cho thí điểm mô hình này. Các ý kiến đề nghị chỉ nên quy định thời gian thực hiện thí điểm 03 năm để kết thúc vào năm 2025, trước khi hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mà không thực hiện 5 năm như đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam