Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh kế-xã hội và ngân sách nhà nước 2021, những tháng đầu năm 2022; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo Báo cáo của Chính phủ, số nợ xấu cần xử lý hiện vẫn còn ở mức cao, hơn 400 nghìn tỷ. Trong khi đó, khách hàng, doanh nghiệp người dân vẫn gặp khó khăn do dịch Covid – 19, cần có thời gian để phục hồi; các ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng đang thực hiện giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Điều đó đồng nghĩa nợ xấu sẽ tăng trong thời gian tới. Nếu dừng lại việc áp dụng Nghị quyết 42 trong khi chưa luật hóa, sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước, tạo hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế vĩ mô.
Do công tác xử lý nợ xấu vừa qua có nhiều tiến bộ nhưng chưa hết khó khăn do tác động của đại dịch Covid - 19. Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài 2 năm toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đề nghị kéo thời gian thực hiện Nghị quyết 42
Cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết này tại phiên thảo luận tổ sáng nay, các đại biểu cho rằng, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những lại chuyển biến rất tích cực, góp phần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%, từng bước bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu; tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống tín dụng.
Các ý kiến đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 đến hết 31/12/2023. Lĩnh vực này hiện chưa được luật hóa, sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, tạo hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vĩ mô. Cùng với đó là ban hành luật để xử lý nợ xấu, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác này.
Tại phiên thảo luận, một số ý kiến cho rằng, tình hình xử lý nợ xấu hiện nay còn chậm, trong đó có nguyên nhân do quy trình xét xử ở Tòa án. Nhưng báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ chưa nêu ra lý do vướng mắc đến từ các cơ quan tố tụng, dù có thừa nhận, việc giải quyết xét xử nợ xấu theo quy trình rút gọn trên Tòa án rất ít.
Đại biểu Mai Khanh - Ninh Bình đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ và đánh giá cụ thể việc thu hồi nợ xấu tăng gấp đôi chủ yếu do tác động nào từ Nghị quyết 42.
Đại biểu cũng đề nghị, tập trung nghiên cứu sửa đổi tổng thể các pháp luật liên quan, đặc biệt là đưa các quy định của Nghị quyết 42 vào quá trình sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, nhất là quy định về thủ tục hành chính, sự tham gia của các cơ quan trong hỗ trợ xử lý nợ xấu.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng, nợ xấu hiện còn ở mức cao, nên để xử lý nợ xấu cần bảo đảm tính liên tục và hiệu quả cần kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023. Bởi theo lũy kế từ 25/8/2017 đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống tín dụng đã xử lý được 308,2 nghìn tỷ đồng, đạt trung bình 5,67 nghìn tỷ đồng/1 tháng, cao hơn khoảng 2 nghìn tỷ đồng/1 tháng so với thời điểm trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực thi hành. Kết quả đó đã góp phần không nhỏ, tạo nên chuyển biến tích cực đối với công tác cơ cấu lại tổ chức tín dụng, tạo niềm tin của người dân.
Các đại biểu khác cũng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42. Quá trình thực hiện nghị quyết này thấy rằng đã nâng cao nhận thức của khách hàng trong việc đi vay, trả nợ, có ý thức hợp tác hơn với tổ chức tín dụng trong việc trả nợ; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc thu hồi nợ.
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết 42 chính là luật về xử lý nợ xấu. Để xử lý những tình huống đặc biệt, nên Quốc hội đã ban hành nghị quyết này và được áp dụng trong thời gian nhất định. Phương án Chính phủ đang trình Quốc hội tại kỳ họp này là kéo dài Nghị quyết 42 đến hết năm 2023, tức là 1 năm 8 tháng. Vì vậy trong khoảng thời gian đó, Chính phủ phải sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, chứ không thể ban hành một luật riêng về xử lý nợ xấu, cũng không thể kéo dài mãi cơ chế đặc biệt, đặc thù đã quy định tại nghị quyết 42.
Phải có biện pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với thành tích bước đầu, bởi vì phía trước còn rất nhiều khó khăn, trong đó có người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động Covid-19. Khó khăn doanh nghiệp là không thể bàn cãi khi nền kinh tế rơi vào phong tỏa, đây là do đại dịch bất khả kháng gây ra.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, cần có biện pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán để ổn định vì đây là kênh huy động vốn quan trọng. Vì vừa qua có nhiều yếu tố tác động khiến thị trường chứng khoán đã “bốc hơi” mạnh. Gần đây chứng khoán xuống thấp, nguy cơ lớn, mất 500-600 tỉ USD trong thời gian ngắn, trong khi FDI vào mạnh nhưng cũng chỉ đem vào sản xuất trên 10 tỉ USD.
Trước đo, sáng 23/5, Chính phủ báo cáo Quốc hội một số nội dung chủ yếu về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2022.
Báo cáo cho biết, những tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát với chỉ số CPI bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021.
Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021…