Đề nghị điều tra lại vụ con rể bị mẹ vợ tố lừa tiền

Đoàn Nga| 13/11/2015 13:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ án kéo dài hơn 5 năm, sau 7 bản kết luận điều tra, 4 bản cáo trạng, 8 lần xét xử và trả hồ sơ, đến chiều 17/9/2014, TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo vô tội. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, vụ án lại tiếp tục bị trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại.

Sáng nay, ngày 13/11, tại phiên phúc thẩm TAND Thành phố Hà Nội đã tuyên bố hủy bản án sơ thẩm yêu cầu điều tra lại đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Bị cáo là Trần Minh Anh, 54 tuổi (ở phố Ngọc Hà, Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội). Trước đó, chiều ngày 17/9/2014, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên vô tội đối với Trần Minh Anh.

Theo bản án sơ thẩm, tháng 1/2007, ông Trần Minh Anh đưa mẹ vợ là bà Bùi Thị Minh đến phòng giao dịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, Hà Nội để làm thủ tục giao dịch chứng khoán cho bà Minh rồi hai mẹ con gửi hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản này. Một thời gian sau bà Minh vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống với con trai.

Gần 1 năm sau, bà Minh có giao dịch với Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt thì nhận được thông báo số dư chỉ còn lại hơn 9 triệu đồng. Cho rằng con rể đã lừa tiền của mình, bà Minh liền làm đơn tố cáo.

Kết quả điều tra cho thấy, bị cáo Trần Minh Anh đã thực hiện 19 lần rút tiền từ tài khoản mang tên bà Minh. Trần Minh Anh cũng thực hiện hơn 100 giao dịch (bao gồm cả giao dịch rút tiền, giao dịch mua bán chứng khoán, giao dịch ứng trước tiền bán, thế chấp cổ phiếu vay tiền…) trên tài khoản này.

Các bút lục vụ án thể hiện, khi đến mở tài khoản, bà Minh và Trần Minh Anh gặp nhân viên giao dịch Phan Diệu Linh và nhận hồ sơ mở tài khoản. Nhưng Trần Minh Anh không đưa cho bà Minh ký tên, mà trực tiếp điền nội dung và ký luôn vào phần tên của người mở tài khoản. Dù vậy, nhân viên Phan Diệu Linh vẫn thực hiện việc mở tài khoản.

Đề nghị điều tra lại vụ con rể bị mẹ vợ tố lừa tiền

Trần Minh Anh (áo đỏ) trong ngày được tuyên vô tội tại phiên sơ thẩm

Trần Minh Anh khai, tại thời điểm năm 2007, quy định mỗi nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản chứng khoán, Trần Minh Anh nhờ mẹ vợ đứng tên để mở tài khoản chứng khoán. Còn tiền là do 2 vợ chồng Minh Anh bán nhà, không phải tiền của mẹ vợ.

Về 19 lần rút tiền, các nhân viên BVSC đã để Minh Anh rút tiền mà không được bà Minh đồng ý, không có giấy ủy quyền. Có lần nhân viên BVSC yêu cầu phải có giấy ủy quyền, thì Minh Anh đã tự ký giấy ủy quyền và trình bày với nhân viên BVSC là bà Minh bị ốm, đề nghị được thông cảm.

Vì hành vi không làm đúng, làm đủ các quy trình nghiệp vụ nên 3 nhân viên BVSC đã bị truy tố, điều tra vì tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Quá trình điều tra, xét thấy các hành vi của các nhân viên BVSC là do áp lực công việc, không có động cơ vụ lợi cá nhân và đã tự nguyện nộp 1,5 tỷ đồng khắc phục nên cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ bị can.

Khi được thẩm vấn tại phiên tòa, các nhân viên BVSC đều khẳng định, họ đã làm đúng quy trình, không sai, không vi phạm. Các nhân viên đều cho rằng, mình đã tiếp nhận hồ sơ giao dịch rút tiền của bà Trần Thị Minh và kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu trên máy tính, thấy khớp thì chi trả.

Đề nghị điều tra lại vụ con rể bị mẹ vợ tố lừa tiền

Trần Minh Anh liên tục kêu oan

Tuy nhiên, khi chủ tọa “vặn” lại, vậy ai là chủ tài khoản, Trần Minh Anh hay bà Minh? Nếu không sai, vì sao 3 nhân viên là bà Vân, ông Nguyên, bà Quỳnh đã phải nộp 1,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả? Trước câu hỏi này, ông Ngô Phương Chí, người giữ cương vị Phó Tổng giám đốc BVSC tại thời điểm xảy ra vụ án và các nhân viên của BVSC đều không trả lời được.

HĐXX nhận định rằng, việc Trần Minh Anh ký thay bà Minh vào hồ sơ mở tài khoản là vi phạm quy định của Nhà nước, nhân viên BVSC không kiểm tra đối chiếu, không yêu cầu người đứng tên tài khoản ký tên trực tiếp trước mặt mình là không làm tròn trách nhiệm.

Nhân viên BVSC cũng không kiểm tra người đến giao dịch có đúng là chủ tài khoản hoặc là người được chủ tài khoản ủy quyền, yêu cầu ký tên trực tiếp. Nếu cán bộ BVSC làm tròn trách nhiệm thì không thể có hành vi gian dối xảy ra.

Xét thấy chưa có căn cứ làm rõ 19 lần rút ra số tiền trên tài khoản của bà Minh hoàn toàn là tiền bà Minh gửi vào tài khoản, bởi biến động tiền trên tài khoản rất lớn. Cũng chưa đủ căn cứ để xác định tiền bà Minh nộp vào tài khoản là tài sản chung của vợ chồng Trần Minh Anh và chị Kim Ngân (con gái bà Minh). Do đó, để làm rõ trách nhiệm các cá nhân, HĐXX đã tuyên bố hủy án sơ thẩm, điều tra lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị điều tra lại vụ con rể bị mẹ vợ tố lừa tiền