Tại kỳ họp Quốc hội sáng nay 25/10, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã báo cáo công tác Tòa án năm 2014. Nhiều nội dung trong báo cáo được các đại biểu đồng tình và đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm qua của hệ thống TAND các cấp.
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình
Bên lề kỳ họp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ĐBQH tỉnh Bến Tre Trịnh Thị Thanh Bình về một số vấn đề liên quan đến nội dung Báo cáo.
PV: Qua Báo cáo công tác Tòa án năm 2014 của Chánh án TANDTC trình bày trước Quốc hội, bà có những nhận xét, đánh giá thế nào về một số nội dung nổi bật?
ĐB Trịnh Thị Thanh Bình: Qua Báo cáo của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình về công tác Tòa án năm nay cho thấy, đã có những đánh giá rất sâu về tình hình giải quyết các loại án. Các loại án hình sự, dân sự, hành chính, đặc biệt là án hôn nhân gia đình, tranh chấp dân sự trong gia đình tăng cao thể hiện sự bất ổn, đạo đức bị suy thoái là mối lo chung của toàn xã hội, nhưng hệ thống Tòa án các cấp đều giải quyết đạt tỷ lệ khá cao, đó là điều rất đáng ghi nhận.
Trong báo cáo cũng đã thể hiện những giải pháp quyết liệt mà Chánh án, Ban cán sự Đảng TANDTC đã triển khai thực hiện, nhất là việc thực hiện các các chỉ tiêu của Quốc hội giao sao cho giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; không có án oan và bỏ lọt tội phạm. Sự chỉ đạo điều hành khá sâu sát và kết quả đạt được đã phản ánh điều đó.
PV: Chánh án TANDTC cũng đã có những biện pháp chỉ đạo điều hành nhằm siết chặt kỷ luật công vụ, cá nhân bà có đồng tình với quan điểm này không?
ĐB Trịnh Thị Thanh Bình: Quan điểm của lãnh đạo TANDTC là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vi phạm đạo đức công vụ của Thẩm phán, chúng tôi đồng tình cao với sự chỉ đạo này. Tuy nhiên, thực tế cũng phải chia sẻ rằng, trong công tác xét xử cũng có những khó khăn, bất cập (Báo cáo của Chánh án cũng đã đề cập đến) mà các Thẩm phán hiện nay phải chịu áp lực rất lớn nếu để án bị hủy, sửa tăng. Với tư cách là người làm công tác xét xử ở địa phương, chúng tôi cũng rất chia sẻ điều này, đặc biệt hiện nay công tác giải quyết án dân sự, đất đai, liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, khi giải quyết còn gặp rất nhiều khó khăn, như trong đường lối giải quyết thiếu thống nhất, đây cũng là nguyên nhân làm cho tỷ án hủy, sửa chưa giảm nhiều và giải quyết kéo dài. Hay tình trạng án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai, xét xử đi xét xử lại vì bị hủy trong đó nguyên nhân từ sự bất cập của luật pháp, gây tốn kém chi phí tố tụng của Nhà nước cũng như người dân.
Tôi nghĩ rằng với chỉ đạo của TANDTC trong việc siết chặt kỷ luật công vụ, đặc biệt nâng cao đạo đức Thẩm phán đã được chỉ đạo quyết liệt, đúng tầm. Quan trọng nhất là trong công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt đối với người đứng đầu đơn vị Tòa án. Hàng năm Ban cán sự Đảng TANDTC đều có Nghị quyết, Chánh án có Chỉ thị số 01 và các chỉ đạo cụ thể khác để áp dụng án treo sao cho đảm bảo áp dụng đúng quy định của pháp luật để phòng ngừa những vi phạm trong hoạt động xét xử. Ngoài những văn bản nêu trên, trong những buổi họp tổng kết, thậm chí trong các hội nghị chuyên đề, lãnh đạo TANDTC đều có nhắc nhở và Chánh án các Tòa án địa phương hiểu rõ những vấn đề này để triển khai thực hiện trong đơn vị mình. Tôi cho rằng người đứng đầu TAND, trước hết bản thân Chánh án phải gương mẫu, sau đó là kiểm soát được hoạt động của các Thẩm phán, Thẩm tra viên để giữ cho hoạt động này được trong sáng, ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” đã phát động và triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống TAND; đưa ra các tiêu chuẩn thi đua để vinh danh Thẩm phán giỏi, tiêu biểu,… nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến.
PV: Thưa bà, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đều được TANDTC triển khai có hiệu quả, vậy bà có hài lòng với kết quả nêu trong báo cáo?
ĐB Trịnh Thị Thanh Bình: Báo cáo của Chánh án TANDTC cho thấy, để thực hiện tốt các chỉ tiêu mà Quốc hội giao tại NQ 37, NQ 63 và NQ 69 của Quốc hội, TANDTC đã có chỉ đạo điều hành khá bài bản, sát thực tế. Về việc áp dụng án treo, giảm tỷ lệ án hủy sửa, giảm tỷ lệ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung do không có căn cứ, lãnh dạo TANDTC đã chỉ đạo rất quyết liệt. Trên cơ sở đó, Chánh án Tòa án địa phương đều có bản cam kết thực hiện; ký quy chế phối hợp với các cơ quan tư pháp, đưa ra chỉ tiêu cụ thể và 6 tháng và cuối năm có kiểm điểm đánh giá từng các chỉ tiêu đạt và chưa đạt được.
Kết quả chung mà báo cáo Chánh án đưa ra, tôi thấy đó là sự cố gắng rất lớn của toàn hệ thống TAND các cấp. Đối với những người làm công tác xét xử, nếu còn để án hủy, sửa, án kéo dài, tạm đình chỉ, quá hạn, thiếu căn cứ; còn tình trạng cán bộ công chức bị kỷ luật… thì chưa thể hài lòng, mà cần phải có sự cố gắng hơn nữa dù kết quả thực hiện khá tốt.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!