ĐBQH: Không nên đưa ra hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền Tư pháp

Ngọc Mai| 13/06/2020 16:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước ý kiến cho rằng dư luận hoài nghi phán quyết của Toà án trong một số vụ án, ĐBQH Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang) nêu rõ: “Chúng ta không nên đưa ra hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền Tư pháp".

ĐBQH: Không nên đưa ra hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền Tư pháp

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị)

Sáng nay 13/6, tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, một số vụ án vừa qua gây nghi ngờ, bức xúc trong nhân dân và dư luận về tính đúng đắn của Toà án.

Đại biểu cũng nêu vụ “gỗ lậu” ở Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng mà đoàn đại biểu Quảng Trị đã giám sát, báo cáo. Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Bình cùng một số đại biểu kiến nghị giám đốc thẩm vụ án, nhưng đến nay cơ quan có trách nhiệm chưa xem xét trả lời.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, Quốc hội cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa trách nhiệm giám sát của mình để đảm bảo pháp luật được thượng tôn, niềm tin của nhân dân vào nền Tư pháp được củng cố và để góp phần làm trong sạch các cơ quan bảo vệ pháp luật.

ĐBQH: Không nên đưa ra hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền Tư pháp

ĐBQH Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang): Chúng ta không nên đưa ra hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền Tư pháp

Tranh luận lại vấn đề này ĐBQH Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang), Phó Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM phân tích thêm về ý kiến này.

Đại biểu Phạm Hồng Phong cho biết, khi xét xử, HĐXX phải đọc hồ sơ, có vụ án hồ sơ đầy cả một xe ô tô. HĐXX phải đọc nhiều tháng, kiểm tra các chứng cứ, lời khai và qua tranh tụng tại phiên toà rồi mới đưa ra phán quyết.

“Chúng ta không chỉ qua một vài trang giấy hay vài bình luận của báo để đưa ra một quyết định là thiếu cơ sở”, đại biểu Phạm Hồng Phong nói.

Phản ánh thực tế hiện nay có rất nhiều thế lực tập trung chống phá Đảng, Nhà nước, đòi "Tam quyền phân lập", đại biểu Phạm Hồng Phong khuyến cáo cần phải hết sức cảnh giác.

Đại biểu Phạm Hồng Phong cũng nêu rõ: Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ tại khoản 3 Điều 2: Quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công phối hợp kiểm soát quyền lực giữa cơ quan nhà nước trong việc lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Còn trong hoạt động xét xử có 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm (bản án có hiệu lực buộc các tổ chức, cá nhân phải thi hành). Tuy nhiên, theo Phó Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM, nếu người tham gia tố tụng cho rằng có sai phạm, thì có quyền làm đơn khiếu nại yêu cầu theo giám đốc thẩm và tái thẩm; có quyền làm đơn khiếu nại đến đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH để kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm xem xét các bản án có hiệu lực này. Thường vụ Quốc hội, Ủy ban của Quốc hội cũng có thể thành lập đoàn giám sát xem xét bản án đã có hiệu lực pháp luật.

“Chúng ta không nên đưa ra hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền Tư pháp", đại biểu đoàn Hậu Giang nêu rõ và thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình.

"Tôi chia sẻ sự mất mát của gia đình, nhưng không nên bức xúc mang tính tiêu cực để giải quyết vụ việc, thiếu suy nghĩ, thiếu chín chắn, mà phải tiếp tục thực hiện các bước còn lại theo quy định của pháp luật”, đại biểu Phạm Hồng Phong chia sẻ thêm và khuyến cáo.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Không nên đưa ra hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền Tư pháp