Kinh tế

ĐBQH hiến kế hoàn thành mục tiêu kinh tế- xã hội năm 2024

Duy Tuấn 26/10/2024 - 13:17

Cùng với đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết năm 2025, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, sáng 26/10, các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội; thi hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện ngân sách nhà nước; về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank.

Lo lắng việc “có tiền mà không tiêu được”

Theo Đại biểu Tạ Thị Yên- Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều nơi đạt dưới mức trung bình chung của cả nước "có thể gây ra lãng phí lớn về cơ hội phát triển và hiệu quả tổng hợp của dự án".

yen1.jpg
Đại biểu Tạ Thị Yên- Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2024 cả nước ước giải ngân đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Hiện vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước.

“Nếu nhìn lại những giai đoạn trước đây khi xi măng, sắt thép phải cân đối từng kg, nguồn vốn phải chắt chiu từng đồng thì mới thấy cái giá phải trả của việc “có tiền mà không tiêu được”, mà đây là tiền thuế của dân, tiền đi vay của Chính phủ, mới thấy thật sự lãng phí”- đại biểu Yên nhấn mạnh.

Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Cho rằng, áp lực giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những tháng còn lại của năm 2024 là rất lớn, Đại biểu Triệu Quang Huy- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ cần quyết liệt đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các dự án trọng điểm, dự án liên vùng có tác động lan tỏa.

huy1.jpg
Đại biểu Triệu Quang Huy- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Đặc biệt, có giải pháp thiết thực, đột phá để đảm bảo thực hiện mục tiêu của các Chương trình Mục tiêu quốc gia; đồng thời, rà soát nhu cầu vốn trong năm 2025 để đề xuất phù hợp, tránh tình trạng các Chương trình được ưu tiên dành nguồn lực nhưng thực tế không triển khai được, gây lãng phí, hiệu quả thấp.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành hướng tới sự hiệu quả, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Giảm thuế, ổn định nguồn cung hàng hóa

Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Như So- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa, bao hàm giải pháp nhằm “giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho kinh tế tư nhân.

so1.jpg
Đại biểu Nguyễn Như So- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, kích thích tổng cầu nhằm hỗ trợ, tạo động lực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; "Nghiên cứu kéo dài thời gian giảm thuế VAT theo Nghị định 72 đến hết năm 2025, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa."

Đại biểu cũng lưu ý, Chính phủ cần quản lý chặt chẽ các yếu tố đẩy giá, ổn định nguồn cung hàng hóa, giữ cho lạm phát dưới mức 3-4% thì nền kinh tế mới có thể đạt được mức tăng trưởng bền vững dựa trên sức mua thực tế, thay vì phụ thuộc vào việc giá cả tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH hiến kế hoàn thành mục tiêu kinh tế- xã hội năm 2024