ĐBQH chỉ rõ 3 điểm yếu của ngành Y tế

Mai Thoa| 09/11/2021 10:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong hai ngày 8 và 9/11, các đại biểu thảo luận về kinh tế-xã hội và công tác phòng chống dịch bệnh đã nêu lên nhiều thực tế đáng chú ý.

pham-khan-lan.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan- TP Hồ Chí Minh tại phiên thảo luận ngày 8/11

Đến từ điểm nóng dịch bệnh TP Hồ Chí Minh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận định, Báo cáo phòng, chống dịch của Chính phủ nhận định chúng ta đã tương đối kiểm soát được tình hình của dịch bệnh. Tuy nhiên, một thực tế là chúng ta đã hy sinh, mất mát quá nhiều trong công tác này báo cáo chưa thể hiện hết được.

Gần 20.000 đồng bào đã ra đi vì covid-19, chưa kể rất nhiều người dân, nhiều bệnh nhân không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này cũng có thể gián tiếp ra đi vì dịch bệnh. Vậy nên, phải làm sao để cho công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới và khắc phục được những gì đã xảy ra là điều mà đại biểu trăn trở.

Theo đại biểu, riêng đối với đại dịch này, nguy cơ lớn nhất chính là nguy cơ bị chuyển sang trạng thái nặng và tử vong. Để thực sự sống chung với dịch, chủ động, linh hoạt trong việc làm sao để khống chế tỷ lệ nhiễm và cũng làm sao giảm được số ca gây nặng và giảm được tử vong. Kinh nghiệm từ thực tế ở TP Hồ Chí Minh như vừa qua chưa làm được đã dẫn đến hậu quả như vậy. Đó chính là những bài học xương máu chúng ta cần khắc phục. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã chỉ ra những bất cập từ thực tế ngành Y tế hiện nay đối với công tác phòng chống dịch bệnh kém hiệu quả.

Thứ nhất, chúng ta phải xem lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở. Đại biểu Lan cho biết, bản thân bà tham gia đại biểu Quốc hội đến nay là khóa thứ ba và trong tất cả các khóa chỉ có một chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở; nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta phải có phân bổ như thế nào để thực sự đáp ứng với quy mô dân cư chứ không phải là chỉ trên vấn đề là phân chia về địa lý.

Theo đại biểu, chúng ta cần phải có một chính sách xuyên suốt một chủ trương, một quan điểm từ Chính phủ và chỉ đạo cho Bộ Y tế để có những chính sách hết sức cụ thể, đặc biệt là trong vấn đề xây dựng về quan điểm.

Có thể nói là chưa có giai đoạn nào mà như giai đoạn dịch bệnh vừa qua, Bộ Y tế rất cực khổ, không chỉ là làm nhiệm vụ chỉ đạo ở trên về nền pháp lý hướng dẫn cho các địa phương nữa, mà thật sự Bộ Y tế cũng đã vào cuộc. Nhưng nếu như chúng ta không giải quyết được những vấn đề thuộc về căn cơ thì chắc chắn là chúng ta sẽ tiếp tục bị động.

Y tế cơ sở không chỉ đầu tư về nguồn lực kinh tế mà phải đầu tư cả nguồn nhân lực đủ trình độ, năng lực để hoạt động.

Hiện nay y tế cơ sở đang rất chắp vá, thay đổi nhiều về tổ chức đã làm cho y tế ngày càng yếu đi. Ví dụ, cách đây mười mấy năm, từ các trung tâm y tế của các quận, huyện chúng ta chia ra thành ba phần: bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế. Mà trên một nguyên lý là đã yếu mà còn chia ra nữa thì lại yếu thêm. Theo đại biểu, yếu như vậy nếu chúng ta nhập chung lại thì khi có dịch bệnh như vừa qua, tất cả các bộ phận đều có thể được điều phối và phân công để làm việc sẽ mạnh hơn.

thao-luan.jpg

Đằng này chúng ta có cái bệnh viện chưa đến mức là bệnh viện. Chúng ta có trung tâm y tế dự phòng què quặt và chúng ta có phòng y tế chỉ làm được công việc hành chính. Đó là cách đây từ những năm 2006-2007.

Gần đây nhất, khi dịch bệnh TP Hồ Chí Minh bùng phát, tất cả các trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện thuộc quận, huyện lại trực thuộc Sở Y tế. Như vậy lực lượng của UBND ở các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc điều phối lực lượng. Những người phụ trách về công tác y tế thực chất ở địa phương chỉ còn có phòng y tế, mà phòng y tế thì chỉ làm chức năng quản lý nhà nước. Những bất cập đó làm cho công tác y tế phòng chống dịch vừa qua kém hiệu quả, đại biểu nhấn mạnh.

Thứ hai, về vấn đề hệ thống điều trị. Đây là một phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị thực sự của chúng ta như thế nào, chỉ một đợt dịch qua thôi là "tan tác" hết. Coi như chúng ta chỉ tập trung vào phòng, chống dịch COVID để cấp cứu là không đủ. Các bệnh viện từ khi thành các đơn vị sự nghiệp nhưng chưa được chuẩn bị những cơ sở về mặt pháp lý, về những kiến thức cần thiết để có thể bảo đảm cung ứng được trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đặc biệt vấn đề cơ chế tài chính. Chúng ta cho rằng COVID thì Nhà nước, ngân sách lo, nhưng phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng. Cho nên các bệnh viện rất khó khăn trong việc thanh toán.

Đại biểu cho rằng, về xét nghiệm, nếu như chúng ta phân công rạch ròi, để cho bảo hiểm làm việc đó, cùng với cơ chế đấu thầu chặt chẽ từ trước tới giờ, lựa giá thấp nhất thì chắc chúng ta không có tình trạng loạn giá xét nghiệm xảy ra.

Tiếp đến, y tế công đã thiếu, yếu nhưng chúng ta lại bỏ quên lực lượng y tế tư nhân. Hệ thống y tế tư nhân chưa được huy động kịp thời, chưa có được những cơ chế để tham gia vào phòng, chống dịch; chưa cho phép vắc xin dịch vụ, trong khi rõ ràng, vắc xin dịch vụ cũng là một hình thức để xã hội đóng góp.

Thứ ba, là tất cả những gì chúng ta đã phải trả giá trong thời gian vừa qua chính là hệ quả để lại, khi mà hệ thống y tế của chúng ta chưa đủ mạnh, mà chưa đủ mạnh thì bên cạnh lỗi chủ quan của mỗi người thì còn có lỗi của chủ trương, của chính sách, chúng ta có thật sự ưu tiên cho y tế, rồi giáo dục hay không?

Thực sự ngành nào cũng có những tiêu cực, tích cực, cũng có rất nhiều con người cùng hoạt động trong đó với các mục đích, mà ở đây vì mục đích phục vụ người bệnh. Thế thì chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, có môi trường để phát triển về y đức chứ không phải là sau đó, lúc xảy ra chuyện thì chúng ta sử dụng các biện pháp hành chính và các thủ tục tố tụng hình sự. Phải nói bản thân tôi là một người trong ngành y tế, tôi rất đau lòng và chính người dân sẽ phải trả giá về việc đó, đại biểu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH chỉ rõ 3 điểm yếu của ngành Y tế