ĐBQH: Cần kiểm toán toàn bộ dự án PPP và công khai kết quả kiểm toán

Ngọc Mai| 19/11/2019 13:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên thảo luận sáng nay 19/11, nhiều ĐBQH cho rằng Kiểm toán nhà Nước phải kiểm toán đối với toàn bộ dự án PPP và công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đa số ĐBQH đánh giá đây là một chủ trương quan trọng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, tạo nền tảng pháp lý vững chắc ổn định, góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh cũng như tạo cơ hội để thu hút các nguồn lực to lớn của tư nhân cho việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia trong thời gian tới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị một số nội dung cần được xem xét kỹ hơn.

Phải kiểm toán đối với toàn bộ dự án PPP

Liên quan đến hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, Điều 80, dự thảo Luật quy định: “Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại Điều 65 và Điều 67 của Luật này”. ĐBQH Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cho rằng, quy định như vậy, thì Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và phần vốn xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, tái định cư; còn lại toàn bộ giá trị xây lắp và phương án tài chính, thu phí thì Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán. Vậy cơ quan nào sẽ giúp Quốc hội kiểm soát vấn đề này?

ĐBQH: Cần kiểm toán toàn bộ dự án PPP và công khai kết quả kiểm toán

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) phát biểu tại Hội trường

Phân tích thêm, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng cho biết, Nhà nước thực hiện đầu tư thông qua hoạt động PPP với nhà đầu tư, và Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư thay vào đó cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp, dự án được thu phí từ cá nhân, tổ chức sử dụng kết cấu hạ tầng với mức thu và thời hạn thu do nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Chi phí đầu tư là cơ sở xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án, vì vậy nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì làm sao xác định được thời gian thu phí, mức thu phí đối với công trình là phù hợp?

Thực tế thời gian vừa qua, thông qua hoạt động kiểm toán các dự án đầu từ theo hình thức BOT, BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí đối với nhiều dự án giao thông đối với nhiều dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng trong các dự án BT. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được dư luận rất đồng tình, ủng hộ.

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng đề nghị ban soạn thảo giải thích rõ và lý giải cụ thể trong báo cáo đánh giá tác động nếu quy định cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán cả phần vốn không phải do ngân sách nhà nước hỗ trợ như hiện nay thì sao? Đã có trường hợp nào dự án PPP không thu hút được nhà đầu tư mà nguyên nhân là do sợ bị kiểm toán hay không, hay vì lý do Kiểm toán Nhà nước quá tải, không đủ nguồn lực để thực hiện?

Cho rằng Kiểm toán nhà Nước phải kiểm toán đối với toàn bộ dự án PPP và công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành. ĐBQH Hà Thị Lan (Bắc Giang) thẳng thắn, kiểm toán chỉ giúp hiệu quả đầu tư cao hơn, không làm ảnh hưởng đến sự thu hút đầu tư tư nhân. Và công tác quản lý đầu tư cũng được thực hiện minh bạch, đúng pháp luật hơn.

Không thể để đối tượng gây thiệt hại bình an vô sự

Ở góc độ khác đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân là trọng tâm thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các dự án đầu tư cạnh tranh công khai, minh bạch, hiệu quả nhằm thu hút khu vực đầu tư tư nhân.

Đối với việc Thành lập Hội đồng thẩm định dự án, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng ngoài quyền lợi, phải tính đến trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng để hạn chế việc dự án được thẩm duyệt, lại kém hiệu quả do yếu tố chủ quan.

“Không thể để đối tượng gây thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân, thì bình an vô sự. Quyền lợi được hưởng, có sự cố lại không có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu Hội đồng. Thực tế đã có không ít những dự án đã gây thiệt hại cho Nhà nước mà người thẩm định lại vô can”, đại biểu đoàn Đồng Tháp chỉ rõ.

Ngoài ra, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng yêu cầu làm rõ quy định Hội đồng được thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án. Bởi việc thuê tư vấn là cần thiết nhưng cần quy định rõ là Hội đồng thẩm định thuê hay cơ quan Nhà nước quản lý thuê để đảm bảo khách quan, phòng ngừa đơn vị tư vấn là “sân sau” của Hội đồng thẩm định.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, các dự án có hiệu quả hay không, công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng. Do đó, việc công khai, minh bạch, công tâm, không “sân sau”, lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự luật. Trong đó, cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư.

“Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác. Nếu là tài sản khác, phải tính giá trị theo cơ chế thị trường, chứ không phải như thời gian qua góp vốn của Nhà nước bằng bất động sản cho các dự án BT. Nhà nước đổi những khu “đất vàng”, còn nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công và gây dư luận không tốt”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Cần kiểm toán toàn bộ dự án PPP và công khai kết quả kiểm toán